Trắng Tay Vì Tôm Thẻ Chân Trắng
Rời làng nuôi tôm hùm Xuân Tự 1, 2, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hoà), tôi tìm đến phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại đây, rất dễ bắt gặp những giọt nước mắt người nuôi tôm.
XIN CHỊU TRÓI TAY
Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 10 năm nhưng người dân thị xã Ninh Hoà không bao giờ quên những chủ đìa tôm trúng mánh. Họ kể cho tôi nghe, ngày ấy quán nhậu ở thị xã Ninh Hoà dựng lên chỉ bán cho các chủ đìa nuôi tôm. Những người này “nướng” tiền vào những cuộc nhậu mà không sợ hết tiền. Đem câu chuyện kể lại cho một vị cán bộ phường Ninh Hà nghe, thì vị này khẳng định: “Người dân nói không sai. Đấy là thời ăn nên làm ra của người nuôi tôm”.
Câu chuyện gác lại, vị cán bộ cho biết: Phường Ninh Hà hiện có 470 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, với hơn 400 hộ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố Thắng Lợi và Hà Liên. Tổ Thắng Lợi có truyền thống nuôi tôm sú từ lâu, nhưng giai đoạn phất lên từ năm 2000. Thời điểm đó người dân Thắng Lợi chuyển đổi diện tích trồng lúa sang nuôi tôm sú hàng loạt. Nguồn vốn thì được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam cho vay. Nhà ít 20 triệu, nhà nhiều gần 100 triệu đồng. Vụ nuôi đầu tiên nhà nào cũng có lãi ròng cao hơn tiền vốn bỏ ra.
Hiệu quả nuôi tôm đem lại quá lớn nên sau mỗi vụ thu hoạch những chủ đìa trúng mánh lại chạy đôn chạy đáo đi khắp vùng hỏi xem có ai bán đất trồng lúa để mở thêm đìa tôm. Giá 1 sào ruộng đổi 2,5 cây vàng nên đã không ít người bán ruộng. Cũng vì thế diện tích nuôi tôm tăng chóng mặt. Quy mô đầu tư theo kiểu nhà có tiền làm ha, nhà ít tiền vay mượn thêm làm đìa hàng ngàn mét vuông.
Đến năm 2006, thời của tôm sú đã hết, thay vào đó là nuôi tôm bán công nghiệp. Tất cả diện tích nuôi trồng của người dân Thắng Lợi được phủ kín bằng tôm thẻ chân trắng. Ông Lê Văn Ninh là một trong những người tiên phong chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Mặc dù chưa có chút kinh nghiệm nhưng vụ đầu ông thả 30 vạn con tôm giống trên diện tích 0,5 ha. Sau 3 tháng cho thu hoạch, ông Ninh trừ chi phí thu lãi 100 triệu đồng.
Thừa thắng xông lên, không chỉ ông Ninh mà tất cả những người nuôi tôm ở Thắng Lợi vét sạch vốn liếng mở thêm diện tích, tăng số lượng con giống. Cứ đà tăng trưởng, vụ này nối tiếp vụ kia, bà con “thả phanh” với tôm thẻ chân trắng mà không một chút ngần ngại. Cứ thấy lãi là làm, cuối vụ thu một cục tiền về cười rôm rả.
Năm 2009, không biết tai họa từ đâu ập đến những đìa tôm ở Thắng Lợi chết hàng loạt. Họ đi khắp nơi mời kỹ sư, các nhà chuyên môn có tiếng đến tận nơi “bắt bệnh”. Hàng chục loại thuốc đổ xuống đìa nhưng tôm vẫn cứ chết, vớt hết thứ này nổi trắng mặt nước thứ khác.
Trắng tay, ông Ninh chuyển qua vay ngân hàng 60 triệu đồng, vay mượn anh em, bạn bè gần 50 triệu mua 90 vạn con tôm giống với diện tích 1,5 ha. Sau 1 tháng nuôi, chi phí tiền thức ăn, dầu, thuốc… hết 100 triệu đồng. Đận này, ông Ninh nghĩ sẽ hốt được khoản tiền lớn, bởi giá bán 1kg giá 160.000 đồng (40 con/1kg) thì đừng nói đủ tiền mua đất xây nhà mới mà dư tiền đầu tư thêm được vài ha đìa tôm.
Tưởng rằng canh bạc tôm thẻ chân trắng sẽ giúp ông Ninh thu lãi lớn. Vậy mà tôm đang yên đang lành bỗng chết hàng loạt bốc mùi hôi thối, ông Ninh chẳng thèm ngó ngàng đến. Nuôi tôm lãi cao nhưng giàu đâu chẳng thấy đâu nhưng số tiền nợ ngân hàng 60 triệu đồng, 50 triệu mượn của người thân và 100 triệu thức ăn đã rõ đối với ông Ninh.
Ngồi trong chòi canh, nhìn về phía đìa tôm, ông Ninh buồn bã: “Dịch bệnh liên miên, nuôi vụ nào lỗ vụ đó. Thực tế bữa ăn hằng ngày còn phải chạy vạy thì đào đâu ra tiền trả nợ. Nếu ngân hàng không cho đáo nợ, khoanh nợ thì xin chịu “trói tay”. Họ có bắt, có lấy đìa tôm trừ nợ đành chấp nhận”.
DẪM GAI, LẤY GAI NHỔ
Đó là triết lý của người dân tổ dân phố Thuận Lợi khi nói về nuôi tôm bị lỗ. Cách hiểu nôm na rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng bị lỗ thì tiếp tục nuôi để lấy lại vốn. Ấy vậy mà nhiều năm qua người dân Thắng Lợi nuôi tôm thẻ chân trắng lời đâu chẳng thấy mà nợ lại tăng lên. Nuôi càng nhiều thì lỗ nhiều, nuôi ít chết ít, càng đại gia thì trở thành tan gia bại sản.
Ông Lê Văn Sĩ, Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Lợi, cho biết: Trước đây trong thôn có hơn 200 hộ nuôi tôm nhưng bị gãy (thất bại) còn sót lại 70 hộ. Nhưng mấy vụ nuôi nào cũng mất, chẳng có có hộ nào thu lãi. Những hộ này ban đầu vay ngân hàng khoảng 1,4 tỷ đồng. Gần 12 năm nay, do không có khả năng trả nợ, số tiền gốc và lãi đã lên đến gần 3 tỷ đồng. Biết được nuôi tôm thất bại, cách đây 1 năm, ngân hàng đã khoanh nợ, nên bà con không trả lãi, tuy nhiên ngân hàng giao hẹn, phải trả dần cho ngân hàng.
Một trong những hộ còn đeo bám nuôi tôm, ông Lê Hùng tìm kiếm cơ may để trả 30 triệu vay ngân hàng. Vụ này ông bỏ ra 40 triệu tiền mua 50 vạn con tôm giống. Cất những con tôm lên xem, khuôn mặt ông lại càng buồn thêm. Ông Hùng nói: “Vụ nuôi này, đìa tôm không chết là may mắn lắm rồi, chứ cả vùng này hồ nào cũng chết hết. Năm nay thời tiết khắc nghiệt lắm, tôm không lớn”.
Lời ông Hùng nói cũng đúng thôi, các địa tôm khác chết như ngả rạ còn đìa nhà ông đổ không biết bao nhiêu là thuốc phòng trị bệnh. Tôm “ăn” nhiều thuốc nên không lớn nổi. Tính đến nay đã 60 ngày nhưng mới bằng chiếc đũa. “Giờ có nuôi cũng không lớn nữa, chắc vài bữa nữa kéo lên đem ra chợ bán với giá 1kg bán được 40 ngàn đồng (400 con được 1kg). Vụ này lỗ 40 triệu là cái chắc”, ông Hùng lắc đầu ngao ngán.
Khác với ông Hùng, anh Minh quê ở Phan Thiết, Ninh Thuận ra đây thuê 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng đã 2 năm, 3 vụ đã thu hoạch. Thế nhưng chỉ 1 vụ có lãi 70 triệu, còn lại 2 vụ lỗ 150 triệu. Tuy nhiên anh Minh vẫn chấp nhận theo đuổi canh bạc này. Vụ này, anh thả 70 vạn con giống thì tôm đã chết rất nhiều. Mặc dù còn rất ít sống sót những tiếp tục đổ thức ăn mong vớt vát tý vốn.
Anh Minh kể: “Ở Phan Thiết tôi cũng nuôi tôm sú nhưng bị thua lỗ, tôi bán nhà được 300 triệu trả nợ, còn dư hơn 120 triệu. Ra đây thuê đìa tôm rất rẻ nên quyết định đánh quả liều với con tôm một lần nữa. Nhưng càng nuôi càng lỗ, nuôi lớn lỗ lớn. Vụ tôm này tôi có vay lãi nóng 20 triệu, cứ mỗi tháng "đẻ" lên 2 triệu, nếu vét hết đìa tôm này mà không trả hết thì chết với dân xã hội đen”.
Tôi hỏi anh Minh, sau bao nhiêu năm nuôi tôm anh rút ra được bài học nào không? Anh Minh nói liền: “Người nuôi tôm như chúng tôi tham lam quá, có 1 triệu muốn được 2 triệu”. Anh Minh giải thích rằng: “Chẳng hạn như tôi những năm trước đây bỏ ra 150 triệu tiền vốn, mỗi vụ tôm trúng mánh trừ chi phí có lãi 70 triệu. Vụ tiếp theo đầu tư 220 triệu vào tôm. Rồi các vụ tiếp đều có lãi thì dốc hết vốn vào con tôm, cho đến khi tôm chết thì mất trắng. Giá như tôi không dốc vốn hết thì nay không ra nông nỗi này”.
+ Người dân nuôi ở tổ dân phố Thắng Lợi do không có vốn đầu tư, lại không được vay ngân hàng nên rất nhiều người nuôi tôm vay nóng để mua con giống, chịu lãi suất từ 10 - 20%/tháng. Trong khi nuôi tôm luôn lỗ không có trả, lãi mẹ đẻ lãi con có những người vay 20 triệu nay tăng lên gấp đôi, gấp ba không có trả. Có không ít người bị dân xã hội đen tìm đến nhà vét hết những tài sản có giá trị hoặc đe doạ đến tính mạng nhưng người nuôi tôm không có trả.
+ Ông Ngô Duy Toại, Cán bộ phụ trách sản xuất phường Ninh Hà, cho biết: “Hiện người dân phường Ninh Hà đang nợ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trên 8 tỷ đồng. Số tiền này được ngân hàng khoanh nợ rồi nhưng người dân phải cam kết trả dần hằng tháng. Ngoài ra những người nuôi tôm vay các ngân hàng thương mại cổ phần, vay nóng thì xã không nắm được. Tuy nhiên con số này cũng không nhỏ”.
Related news
Ngày 7-7, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xảy ra ở 6 tỉnh, thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TPHCM, Tiền Giang và Cà Mau. Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 1.843ha và diện tích bị thiệt hại do hội chứng gan tụy cấp là 2.797ha. Địa phương có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau.
Với ưu thế “Cận lộ, cận giang”, nhất là tận dụng dòng sông Lô chảy qua với nhiều loài cá quý hiếm tự nhiên, người dân Thái Hòa (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã đánh bắt và chuyển sang nuôi thử nghiệm những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Giờ thì riêng khoản nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành “nghề hốt bạc” của nhiều hộ nông dân nơi đây.
Hiện nay, có 5 doanh nghiệp được tỉnh Bạc Liêu cho thuê đất nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 397 ha. Các doanh nghiệp này thuê đất chủ yếu để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của mình.