Giá / Mô hình kinh tế

TP.HCM Đẩy Mạnh Phát Triển Trồng Rau VietGAP

TP.HCM Đẩy Mạnh Phát Triển Trồng Rau VietGAP
Tác giả: 
Ngày đăng: 25/04/2012

TP.HCM có những thế mạnh riêng các nơi khác không thể có được, đó là sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ gần chục triệu người. Vì vậy, diện tích gieo trồng rau quả của TP.HCM tăng lên mỗi năm từ diện tích lúa được chuyển đổi.

Năm 2011 có thêm 57 nông dân trồng rau ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Văn Hợt - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Ngã 3 Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết, hiện đơn vị đã triển khai thực hiện trên 10ha rau xanh các loại theo chuẩn VietGAP.

Về kỹ thuật trồng không có gì quá mới mẻ như sản xuất RAT đơn, nhưng khi triển khai cũng gặp không ít khó khăn do chưa phù hợp với thói quen sản xuất lâu nay của người nông dân. Bởi việc sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ, ghi chép đầy đủ các chi tiết từ khâu xử lý đất trồng, nguồn nước tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thời gian cách ly với phân và thuốc trước khi thu hoạch cho đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

“Thêm vào đó, giá thành sản xuất RAT theo VietGAP cao hơn giá rau trồng theo lối truyền thống do tốn nhiều công sức, thời gian và chi phí, nhất là thuốc BVTV trong danh mục cho phép. Điều này làm cho nông dân lo ngại trong việc sản xuất theo VietGAP. Họ cần có thời gian nhất định để quen dần phương pháp sản xuất mới này” - ông Hợt nhận định.

Để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất RAT theo VietGAP, Sở NNPTNT TP.HCM đã giao cho Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp của thành phố tư vấn và cấp giấy chứng nhận miễn phí cho bà con. Sở NNPTNT cũng lo luôn khâu tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân qua việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

TP.HCM có thể nói là một trong những địa phương khởi xướng và tổ chức thành công trong việc đưa rau VietGAP vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC, Metro... Không chỉ các siêu thị mà các doanh nghiệp cũng "đặt hàng" nông dân sản xuất rau VietGAP cho mình phân phối thông qua phương thức bao tiêu sản phẩm như Công ty TNHH Hương Cảnh, Thỏ Việt, Vissan...

Hiện mỗi năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 750.000 tấn rau, củ, quả các loại, trong đó các vùng rau của TP.HCM đáp ứng khoảng 285.000 tấn. TP.HCM đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, diện tích gieo trồng rau đạt 15.000ha, sản lượng 375.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 220 triệu đồng/ha/năm, trong đó trên 90% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất RAT đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể bạn quan tâm

Thu 24 Tỷ Đồng/năm Từ Rau Má Thu 24 Tỷ Đồng/năm Từ Rau Má

Đó là khoản thu nhập “chắc như bắp” của xã viên HTXNN 1 Nhơn Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định). Nhờ trồng rau má, gần 4.000 nhân khẩu đã có thu nhập ổn định.

25/04/2012
Tôm Việt Nam Lấy Lại Hình Ảnh Tại Thị Trường Nhật Bản Tôm Việt Nam Lấy Lại Hình Ảnh Tại Thị Trường Nhật Bản

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 1 tháng quy định cấm sử dụng kháng sinh Enrofloxacin trong sản xuất, kinh doanh thủy sản có hiệu lực, tình trạng sử dụng hóa chất này trong nuôi tôm đã được cải thiện đáng kể. Nhờ đó, thông tin cảnh báo mới đây nhất của Nhật Bản cho thấy, trong tháng 3 chỉ duy nhất có 1 lô tôm của Việt Nam bị phát hiện nhiễm Enrofloxacin.

25/04/2012
Hỗ Trợ Tối Đa Cho Sản Xuất Nông Nghiệp Tốt Hỗ Trợ Tối Đa Cho Sản Xuất Nông Nghiệp Tốt

Ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

25/04/2012