Giá / Tin thủy sản

Tôm càng xanh - Khơi dậy tiềm năng

Tôm càng xanh - Khơi dậy tiềm năng
Tác giả: Xuân Trường
Ngày đăng: 03/02/2020

Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản có kích thước lớn và có giá trị cao. Cùng đó, tôm càng xanh còn có thể nuôi luân canh, xen canh với cây lúa hoặc nuôi chuyên canh đều cho kết quả tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, con tôm càng xanh vẫn chưa thể phát triển mạnh như con tôm sú hay tôm thẻ ngay trên vựa tôm ĐBSCL.

Tôm càng xanh được nuôi chủ yếu trên ruộng lúa - Ảnh: Diệu Lữ

Hiệu quả cao

Trên thế giới, nghề nuôi tôm càng xanh (TCX) phát triển từ khá sớm và tương đối rộng rãi, không chỉ ở những nước có sự phân bố loài này ngoài tự nhiên, mà cả những nước khác với con giống du nhập từ những quốc gia có loài này phân bố tự nhiên. Ở Việt Nam, đặc biệt khu vực ĐBSCL, TCX được nuôi chủ yếu với hình thức trên ruộng lúa đem lại hiệu quả cao và được xem như một đối tượng xuất khẩu thủy sản nước ngọt chủ lực.

Ông Lâm Quốc Tuấn, ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tôi có 2 ha làm mô hình tôm - lúa; trong đó, 6 tháng nước lợ tôi nuôi tôm sú (hoặc tôm thẻ chân trắng), đến mùa nước ngọt tôi làm lúa kết hợp thả nuôi TCX. Ở vụ nuôi năm 2018, được hỗ trợ từ dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tôi thả giống TCX toàn đực. Sau gần 8 tháng, thu hoạch được sản lượng khoảng 2 tấn, tính ra lợi nhuận cũng gần 200 triệu đồng”. Còn ông Võ Văn Hoa, ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, một trong những hộ tiên phong trong mô hình nuôi TCX của huyện chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi TCX xen canh với cây lúa sau vụ tôm nước lợ hơn 10 năm nay. Tuy lợi nhuận từ TCX không bằng tôm sú hay tôm thẻ chân trắng, nhưng ít rủi ro và giúp mình luôn nói không với thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cũng nhờ vậy mà chỉ với vụ đầu tham gia làm lúa hữu cơ, ruộng của tôi đã đạt được chứng nhận quốc tế”.

Cũng ở vụ TCX xen canh trên ruộng lúa năm 2018, hầu hết người nuôi ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều có được niềm vui được mùa, giá cao, khi có thời điểm giá TCX loại 1 lên đến 230.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, cho biết: “Chúng tôi xác định TCX là một trong những đối tượng nuôi có hiệu quả cao khi được nuôi xen canh với cây lúa. Dù năng suất TCX chưa cao, nhưng cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của nông dân so với chỉ đơn thuần trồng lúa. Vì vậy, diện tích nuôi TCX của tỉnh những năm gần đây bắt đầu tăng lên. Đặc biệt, vụ năm 2018 được giá cao, đa số người nuôi đều có lãi nên ở vụ nuôi năm nay, nhiều khả năng diện tích, sản lượng TCX của tỉnh sẽ tăng lên”.

Nhiều thách thức

Theo ước tính, nếu thả nuôi TCX toàn đực trên diện tích 1 ha, người nuôi có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng sau mỗi vụ. Đây cũng được xem là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng cho ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt vì con TCX có thể sống và phát triển tốt ở nhiệt độ 24 - 340C, độ mặn ở khoảng 0 - 15‰. Theo các kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 và Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, ở độ mặn 5‰, 10‰, 15‰, TCX phát triển tốt hơn và có chất lượng thịt ngon hơn so với ở độ mặn 0‰.

Hiệu quả cao cùng với điều kiện thuận lợi, tuy nhiên phát triển nghề nuôi TCX ở ĐBSCL đến nay được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những trở ngại lớn nhất đó là: thiếu hụt nguồn giống tôm toàn đực chất lượng cao, thời gian nuôi kéo dài, mật độ thả nuôi thấp (dẫn đến năng suất, sản lượng không cao) và đặc biệt là thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa nên giá bán thường bấp bênh. Chính vì vậy nên diện tích, sản lượng TCX ở khu vực này đến nay vẫn còn thấp so với một số đối tượng nuôi khác. Không nói đâu xa, ngay ở vụ nuôi năm 2018, toàn khu vực ĐBSCL cũng chỉ phát triển được vài chục nghìn ha chủ yếu là mô hình lúa - tôm; trong đó, nhiều nhất là tỉnh Cà Mau với 18.300 ha, kế đến là Kiên Giang 18.190 ha, Bạc Liêu 17.454 ha, các tỉnh khác chỉ từ vài trăm đến vài nghìn ha trở lại. Cùng đó, do phần lớn các hình thức nuôi TCX chủ yếu là nuôi xen canh theo mô hình tôm - lúa, mật độ thả nuôi chỉ từ 1 - 2 con/m2 nên năng suất bình quân chỉ từ 200 - 500 kg/ha, chỉ một số ít diện tích nuôi quảng canh cải tiến bằng con giống toàn đực cho năng suất 800 - 1.000 kg/ha, trong khi thời gian nuôi khá dài, 6 - 8 tháng/vụ, tức gấp đôi thời gian so với nuôi tôm thẻ chân trắng. Vì những hạn chế này, nên mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là khá cao và ít rủi ro nhưng nghề nuôi TCX vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người dân tham gia. 

Khơi dậy tiềm năng

Nghề nuôi TCX ở nước ta đã hình thành và phát triển khá lâu. Từ việc chỉ nuôi bằng con giống tự nhiên trong mùa nước nổi ở các tỉnh khu vực đầu nguồn, các mô hình nuôi TCX được phát triển dần lên và lan rộng đến các tỉnh vùng nước lợ ven biển, khi việc sinh sản nhân tạo TCX thành công. Hình thức nuôi cũng trở nên đa dạng hơn, từ việc chỉ nuôi quảng canh trên ruộng lúa là chính, con TCX bắt đầu được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến với nguồn con giống toàn đực.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì tiềm năng này còn rất lớn vì TCX là đối tượng chịu được độ mặn rất tốt. Tuy nhiên, để khắc phục được những khó khăn, phát huy thế mạnh vốn có của TCX, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển nuôi TCX được đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, là rà soát quy hoạch và đầu tư cải thiện hạ tầng vùng nuôi tập trung tại ĐBSCL, sản xuất giống đảm bảo chất lượng và số lượng (2 - 3 tỷ con giống năm 2025). Bên cạnh đó, các Sở NN&PTNT cần xây dựng đề án liên kết “bốn nhà”, nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp - nhà nông với mục tiêu phát triển bền vững; đưa ra những khuyến cáo hợp lý về thời vụ nuôi cho người dân, nhằm có kế hoạch cung ứng giống hợp lý, đáp ứng việc thực hiện quy hoạch.      

Diện tích nuôi TCX trong cả nước đã không ngừng tăng. Đến năm 2018, diện tích nuôi TCX gần 26.900 ha (chiếm 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng). Các tỉnh có diện tích nuôi lớn là Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Dự báo diện tích này có thể tăng lên gấp 3 lần trong thời gian tới nhờ các lợi thế: tính thích nghi cao, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật không quá khó và mang lại hiệu quả cao gấp 3 - 5 lần so với độc canh cây lúa.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy

Với quan điểm mới, lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá, ngành hàng này đang được kỳ vọng

03/02/2020
Hóa giải nỗi lo cá tra giống chất lượng Hóa giải nỗi lo cá tra giống chất lượng

Con giống luôn là mối lo lớn trong nuôi cá tra thương phẩm. Để ổn định nghề nuôi này, Bộ NN&PTNT đã triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp

03/02/2020
Phấn ong - Cải thiện màu sắc cá hồi Phấn ong - Cải thiện màu sắc cá hồi

Bổ sung chiết xuất carotenoid từ phấn ong có thể hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời cung cấp chất tạo màu tự nhiên cho cá hồi nuôi.

03/02/2020