Giá / Tin thủy sản

Hóa giải nỗi lo cá tra giống chất lượng

Hóa giải nỗi lo cá tra giống chất lượng
Tác giả: Phương Ngọc
Ngày đăng: 03/02/2020

Con giống luôn là mối lo lớn trong nuôi cá tra thương phẩm. Để ổn định nghề nuôi này, Bộ NN&PTNT đã triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp; hiện, nhiều doanh nghiệp lớn tích cực tham gia vào dự án.

Nguồn cá tra giống đang được củng cố lại chất lượng - Ảnh: PT

Mối lo chất lượng

Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL hiện có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ dân ương cá tra giống với diện tích 3.500 ha; tập trung chủ yếu ở An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nguồn cá tra giống đủ để đảm bảo diện tích nuôi 5.200 ha với sản lượng thành phẩm là 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên khi đánh giá về chất lượng cá tra giống, các chuyên gia trong ngành cho rằng, vấn đề này vẫn chưa được cải thiện nhiều. Bởi trên thực tế, số lượng hộ tham gia sản xuất giống khá lớn, nhưng phân bố rải rác ở nhiều nơi toàn vùng nên dẫn đến chất lượng giống không đều nhau; Mặt khác, trình độ kỹ thuật ươm cá tra giống của nông dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến chất lượng giống kém, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế khi đưa vào nuôi cá thịt vì tỷ lệ hao hụt lớn.

Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Mục tiêu đến năm 2020, đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL, đến 2050, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho toàn vùng.

Doanh nghiệp hưởng ứng

Sau khi Bộ NN&PTNT triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư các dự án thành phần của “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”. Chẳng hạn như, Tập đoàn Sao Mai đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang với hình thức hợp tác công - tư, dự kiến thành lập Công ty CP Sản xuất giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang.

Cuối năm 2018, Tập đoàn Việt - Úc đã triển khai Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với quy mô 100 ha tại xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang; với Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với 18 nhà màng (diện tích mỗi nhà 200 m2) và Khu lưu giữ cá bố mẹ chọn giống (hiện có 3.000 cá bố mẹ). Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Việt - Úc sẽ cung cấp những con cá tra giống chất lượng cao đầu tiên ra thị trường; dự kiến công suất sản xuất 1 tỷ con giống/năm.  

Tháng 1/2019, Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt Bình Phú (thuộc Công ty CP Nam Việt) tổ chức lễ khởi công dự án NTTS công nghệ cao Bình Phú, quy mô 600 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, chia thành 2 khu: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích nuôi 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao NTTS, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, mỗi năm khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao sẽ sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Nam Việt, số còn lại sẽ cung cấp cho cộng đồng; Còn khu nuôi cá tra thương phẩm mỗi năm sẽ sản xuất ra 200.000 tấn cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi cũng đã được phê duyệt chủ trương dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao với quy mô 350 ha (200 ha nuôi thương phẩm cá tra và 150 ha ương giống) tại xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra nhưng chất lượng con giống luôn là vấn đề khiến Công ty CP Vĩnh Hoàn lo lắng. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, khi không có được nguồn con giống tốt, quá trình nuôi sẽ bị hao hụt nhiều, tăng chi phí đầu vào, trong khi chất lượng cá nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước thực tế này, Vĩnh Hoàn đã hợp tác với Sở NN&PTNT An Giang tiến hành khảo sát, xây dựng dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa. Ngày 7/9/2019, dự án chính thức được khởi công với quy mô diện tích 48,3 ha, mục tiêu cung cấp 1,6 tỷ con cá hương và 30 triệu con cá tra giống/năm. Rõ ràng đây là những tín hiệu đáng mừng từ sự phối hợp, triển khai đồng bộ 3 trục liên kết, gồm: Trục Chính phủ (hệ thống quản lý nhà nước), trục doanh nghiệp và trục người nuôi. 

Theo đề án giống cá tra ba cấp, mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL, nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ con; đến 2050, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao với 2,5 - 3 tỷ con.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá nóc hổ bằng nguồn nước nóng tự nhiên tại Nhật Bản Nuôi cá nóc hổ bằng nguồn nước nóng tự nhiên tại Nhật Bản

Mô hình nuôi cá nóc hổ không độc trong nhà bằng nguồn nước nóng tự nhiên xuất hiện tại Nhật Bản cách đây 2 năm. Những thành công từ mô hình này được ghi nhận

03/02/2020
Bangladesh lên kế hoạch xuất khẩu mạnh tôm sú Bangladesh lên kế hoạch xuất khẩu mạnh tôm sú

Bangladesh tin rằng, với quy mô sản xuất lớn hơn, tôm sú vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng lớn như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Trung Quốc

03/02/2020
Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy

Với quan điểm mới, lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá, ngành hàng này đang được kỳ vọng

03/02/2020