Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả
Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.
Thông qua báo, đài và qua thực tế trong chăn nuôi, nhận thấy được hiệu quả khi làm ăn tập thể, các hộ nuôi ếch ở ấp 4 đã thông qua Hội Nông dân của xã thành lập tổ nuôi ếch. Ông Nguyễn Văn Lương - Tổ trưởng tổ nuôi ếch cho biết, lúc trước gia đình ông thuộc diện hộ nghèo không có đất sản xuất, được Hội Nông dân xã hỗ trợ 3 triệu đồng, ông bắt đầu nuôi ếch, khi mới nuôi do không nắm được kỹ thuật nên không có lời, nên ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và nhất là các hộ đã nuôi trước. Khi nắm được kỹ thuật, chăn nuôi có lợi nhuận, ông bắt đầu tăng số lượng nuôi. Hiện tại, ông nuôi khoảng 50 ngàn con ếch.
Ngoài nuôi ếch thương phẩm, ông tự cho ếch sinh sản để nuôi và cung cấp cho thành viên trong tổ. Gia đình ông đã thoát nghèo. Từ kinh nghiệm bản thân, ông rút ra được kinh nghiệm muốn chăn nuôi đạt hiệu quả cao phải có sự liên kết giữa những người chăn nuôi với nhau. Liên kết để chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, con giống, đầu ra cho sản phẩm. Khi tham gia vào tổ, mặc dù chưa được bao tiêu nhưng hiện tại đầu ra tương đối ổn định, giá bán cũng cao hơn so với các hộ bán riêng lẻ. Vì theo ông Lương, hiện nay thương lái ít thu mua riêng lẻ, chỉ thu mua tập trung để giảm chi phí vận chuyển.
Anh Nguyễn Hồng Trung - thành viên tổ nuôi ếch chia sẻ, anh mới nuôi được 3 đợt, 2 đợt trước do chưa có kinh nghiệm nên không có lời. Sau đó, anh tham gia vào tổ nuôi ếch, được các thành viên có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật nuôi, được mua trả chậm con giống nên xuất bán đợt này anh cũng thu được lợi nhuận. Anh cũng như những thành viên khác trong tổ mong muốn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn thành lập tổ hợp tác để được hướng dẫn kỹ thuật và các chính sách khác.
Hiện số lượng thành viên trong tổ đã tăng lên gấp đôi, ban đầu tổ có 6 thành viên, hiện tại tổ đã có 12 thành viên, số lượng nuôi cũng tăng hơn trước, trung bình mỗi hộ nuôi từ 15 - 50 ngàn con. Ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kiều cho biết: “Ban chấp hành Hội Nông dân xã xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động của từng tổ, đề nghị UBND xã ra quyết định thành lập tổ để có pháp nhân, hỗ trợ giúp đỡ cho tổ làm đề án cụ thể về chương trình chăn nuôi để có kiến nghị về trên hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, vốn vay ưu đãi, tạo điền kiện cho những thành viên có vốn đầu tư vào sản xuất...”.
Từ thực tế trong chăn nuôi, người nông dân ấp 4, xã Tân Kiều đã thay đổi tư duy làm ăn riêng lẻ thành làm ăn tập thể, góp phần tăng lợi nhuận và hướng người nông dân sản xuất theo hướng kinh tế tập thể, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế huyện nhà.
Related news
Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)", do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 3,7 tỉ đồng để hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh thay thế các giống cây ăn quả cũ, già cỗi bằng các giống cây ăn quả chất lượng, nhằm tạo sản phẩm nông sản an toàn phục vụ nhu xuất khẩu.
Cứ nhắc đến con tôm sú, nhiều người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) vẫn còn hãi hùng khi bao nhiêu vốn liếng cứ đội nón ra đi. Người vỡ nợ không phải là ít khi dịch bệnh trên tôm sú cứ xảy ra liên miên. Khi TTCT xuất hiện ở tỉnh Bình Thuận vào năm 2005, dân nuôi tôm như bắt được phao sau một thời gian dài "thoi thóp"
Cục Chăn nuôi kiến nghị, cần có hỗ trợ để khôi phục cho những người chăn nuôi như không cắt điện khu vực chăn nuôi trang trại tập trung, hỗ trợ tín dụng để duy trì đàn...