Tổ Hợp Tác Nuôi Thỏ Vượt Nghèo
Để giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, Hội ND xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã đầu tư vốn, thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ.
Ông Võ Hoàng Khanh – Chủ tịch Hội ND xã Bình Chánh cho biết, ấp 1 của xã là vùng “nửa chợ, nửa quê”, đất sản xuất rất hạn chế, nên ND ở đây phải kiếm sống bằng nhiều nghề…
Hội cấp cần câu
Thấy một số hộ ở đây nuôi thỏ đạt hiệu quả cao, ông Khanh cùng BCH Hội ND xã đã lập dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của huyện và thành phố, đầu tư cho 14 hộ cận nghèo và hộ nghèo, thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi thỏ vào tháng 2.2012. Trung bình mỗi hộ được vay từ 10-15 triệu đồng, để làm chuồng và mua thỏ giống. Hội còn phối hợp với trạm khuyến nông và thú y, mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thỏ cho các hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiều – Tổ trưởng THT chăn nuôi thỏ, nuôi thỏ không cần diện tích lớn, chỉ cần đóng chuồng có diện tích 24m2 là có thể nuôi được 50 con. Thỏ rất dễ nuôi, chi phí thức ăn không nhiều, lại mau đẻ. Thỏ con nuôi khoảng 3,5 tháng có thể có trọng lượng trên 2kg, trừ chi phí lời khoảng 80.000 đồng.
Ông Nhiều cho biết thêm, nếu như lúc mới thành lập THT, mỗi hộ chỉ nuôi 15- 20 con, đến nay hộ nuôi ít nhất là 85 con, hộ nuôi nhiều nhất là 200 con. Đầu ra của thỏ do THT thu mua bỏ mối cho các nhà hàng, chợ ở thành phố, nhờ vậy cuộc sống của các tổ viên ngày một khá hơn. Ông Nhiều tiết lộ, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của THT đạt trên 78 triệu đồng, hiện tổng đàn thỏ giống trong tổ là 450 con.
Nông dân dễ kiếm tiền
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, ở ấp 1, là một hộ nghèo trong vùng, trước mở quán hủ tíu ở trước nhà kiếm sống qua ngày. Được Hội ND xã cho vay 15 triệu đồng, chị làm chuồng và nuôi 20 con thỏ, sau 3 tháng nuôi, bình quân mỗi tháng chị xuất chuồng 120 thỏ thịt, trừ chi phí, lãi trên 9 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh
Thấy nuôi thỏ dễ kiếm tiền, chị Thanh bỏ bán hủ tíu, tập trung vào việc nuôi thỏ. Đến nay đàn thỏ của chị đã tăng trên 120 con lớn, nhỏ và hậu bị, cùng 30 con thỏ giống. Trung bình mỗi tháng chị xuất chuồng 180 thỏ thịt, trừ chi phí lãi trên 14 triệu đồng. Cuối năm 2012, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tháng 5.2013, chị hoàn vốn lại cho dự án.
Gia đình của Tổ trưởng THT chăn nuôi thỏ Nguyễn Văn Nhiều cũng là hộ nghèo. Anh cũng vay của dự án 15 triệu đồng để nuôi thỏ. Đến nay đàn thỏ giống của gia đình anh có 50 con, bình quân mỗi tháng anh xuất chuồng khoảng 200 con thỏ thịt, trừ chi phí lãi khoảng 16 triệu đồng. Không chỉ có của ăn của để, cuối năm 2012 anh đã hoàn vốn lại cho dự án.
Ông Khanh vui mừng cho biết, trong số 14 tổ viên của THT, 2 hộ đã thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá. Xã đang vận động thêm một số hộ nghèo tham gia THT nuôi thỏ để từng bước vươn lên thoát nghèo.
Related news
Những năm qua, huyện Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Những năm gần đây Thanh Luông được đánh giá là xã có tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhanh và mạnh của huyện Điện Biên.
Điện Biên không chỉ là vùng đất lịch sử mà còn là nơi xây dựng ước mơ, ấp ủ làm giàu của rất nhiều nông dân vượt lên cái khó khăn, nghèo đói để trở thành những tấm gương sản xuất giỏi. Ông Lò Văn Tỉnh sống tại bản Khá, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên là tấm gương như thế.