Giá / Mô hình kinh tế

Tinh Lọc Và Chọn Ra Những Dòng Cacao Chịu Mặn Cao

Tinh Lọc Và Chọn Ra Những Dòng Cacao Chịu Mặn Cao
Tác giả: 
Ngày đăng: 07/08/2013

Bến Tre là địa bàn có diện tích trồng cacao lớn nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền do tác động của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng của cây cacao.

Trước thực trạng này, đòi hỏi ngành chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu giúp người nông dân khắc phục khó khăn, tạo ra những giống cacao chịu được độ mặn cao nhưng vẫn đảm bảo về sản lượng, chất lượng.

Ở Bến Tre, quy trình kỹ thuật trồng cây cacao được phổ biến rộng rãi trong sản xuất chủ yếu áp dụng cho những vùng nước ngọt hoặc ít nhiễm mặn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền với độ mặn cao, vấn đề trở nên cần thiết, cấp bách đặt ra ở đây là cần có một quy trình kỹ thuật trồng cacao trên vùng đất nhiễm mặn.

Xuất phát từ vấn đề trên, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh đã tinh lọc và chọn ra nhiều bộ giống cacao chịu được độ mặn cao để trồng thực nghiệm trên những vùng đất có độ nhiễm mặn khác nhau. Theo đó, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh đã chọn ra 8 dòng cacao đang trồng phổ biến: TD3, TD5, TD6, TD7, TD8, TD9, TD10, TD11 và trồng thực nghiệm ở 4 vùng có độ mặn khác nhau, gồm: xã Quới Thành (Châu Thành) - đại diện vùng ngọt, không nhiễm mặn; xã Châu Hòa (Giồng Trôm) - đại diện vùng nhiễm mặn 2 phần ngàn; xã Tân Phú Tây (Mỏ cày Bắc) - đại diện vùng nhiễm mặn 3 phần ngàn; xã Bình Khánh Tây (Mỏ Cày Nam) - đại diện vùng nhiễm mặn 4 phần ngàn. Mỗi điểm trồng 268 cây cacao giống.

Ở thời điểm năm 2010, độ mặn cao nhất ghi nhận được tại điểm xã Bình Khánh Tây là 9 phần ngàn trong tháng 4 và tháng 5, độ mặn cao kế đến là ở điểm xã Tân Phú Tây vào tháng 4 là 7 phần ngàn, độ mặn thấp nhất là 2 phần ngàn tại xã Quới Thành. Do ảnh hưởng của nồng độ mặn cao, thời gian nhiễm mặn kéo dài, nên cây sinh trưởng chậm lại, đến đầu mùa mưa rải rác trong các lô thí nghiệm, một số cây cacao có hiện tượng rụng lá rồi chết.

Tỷ lệ cây chết giữa các lô, các giống không đồng đều nhau. Cụ thể: giống TD3, TD5, TD11: khả năng chịu đựng tốt, tỷ lệ chết dưới 10%; giống TD9, TD8: khả năng chịu đựng khá, tỷ lệ chết 10-20%; các giống còn lại có tỷ lệ chết từ 20 đến 30%; đối với lô trồng trong điều kiện đất cao, xa mương, tỷ lệ chết thấp.

Ở thời điểm năm 2011, diễn biến của yếu tố mặn cũng diễn ra tương tự như năm 2010, nhưng mức độ và thời gian nhiễm mặn ngắn hơn. Cụ thể ở điểm xã Bình Khánh Tây, độ mặn cao nhất trong tháng 4 cũng chỉ đạt khoảng 7 phần ngàn, thấp hơn khoảng 2 phần ngàn so với năm 2010, ở các điểm còn lại, độ mặn cũng giảm từ 1 đến 2 phần ngàn so với năm 2010. Do ảnh hưởng mặn không nghiêm trọng như năm 2010 nên trong mùa khô năm 2011, không có hiện tượng rụng lá rồi chết cây.

Thạc sĩ Võ Hoài Chân - Phó Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh cho biết: Mỗi dòng cacao trồng thực nghiệm đều có những ưu điểm cũng như đặc tính khác nhau. Kết quả thực nghiệm cho thấy, cây cacao có thể chịu mặn đến khoảng 7 phần ngàn trong thời gian mùa khô kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Ở nồng độ mặn từ 7 đến 9 phần ngàn, cây chỉ chịu đựng được trong thời gian ngắn, nếu kéo dài cây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có khả năng bị chết. Ở nồng độ mặn trên 9 phần ngàn, cây bị cháy lá nặng, có thể làm chết cây (ở nồng độ mặn này không có giống cây nào không bị ảnh hưởng).

Có thể nói, 9 phần ngàn là ngưỡng mặn cao nhất mà cây có thể chịu đựng, nồng độ mặn 9 phần ngàn kéo dài trong 1 tháng làm cây bị chết. Ở độ mặn như thế, giống TD11, kế đến là 2 giống TD3 và TD10 là các giống có nhiều ưu thế qua kết quả thực nghiệm. Đặc tính của các dòng cacao này đều có những ưu điểm là cây cho trái sớm, đậu trái sai thường xuyên, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt to, chín sớm, tán gọn và cây chịu bóng râm.

Như vậy, để giúp người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh đã tinh lọc và chọn ra được 3 dòng cacao có khả năng chịu được độ mặn cao. Điều này không chỉ có ý nghĩa về sự thành công trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mà nó còn góp phần giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Các Mô Hình Chăn Nuôi Hiệu Quả Nhân Rộng Các Mô Hình Chăn Nuôi Hiệu Quả

Để giải quyết lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân, thời gian gần đây các địa phương ở Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

07/08/2013
Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Chim Cút Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Chim Cút

Bằng sự cần cù, chịu khó, anh Ngô Đắc Ánh, hội viên Hội LHTN xã Thủy Phù (Hương Thủy - Thừa Thiên Huế) đã tạo được mô hình kinh tế phù hợp. Ngoài lãi ròng 30 triệu đồng mỗi năm, anh còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

07/08/2013
Sản Xuất Nấm, Hái Ra Tiền Sản Xuất Nấm, Hái Ra Tiền

Nhận định về thế mạnh và tiềm lực SX nấm để phát triển thành ngành hàng công nghiệp thực phẩm, các nhà chuyên môn cho rằng ĐBSCL hội tụ đầy đủ yếu tố và đang đứng trước cơ hội vàng.

07/08/2013