Tín Hiệu Tốt Cho Ngành Cá Tra

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tính đến ngày 15/8, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Thị trường Mỹ hiện chiếm 22% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam, đạt trên 235 triệu USD, tăng 35% so với năm 2011.
Đây là kết quả rất khích lệ bởi trong những tháng đầu năm nay ngành nuôi, chế biến cá tra của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn như thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, doanh nghiệp và người nuôi cá thiếu vốn…
Một tin vui khác với ngành cá tra là sau gần 1 tháng đứng ở mức giá 22.000 - 22.500 đồng/kg, hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng trở lại, lên mức giá cao nhất 23.500 đồng/kg.
Cụ thể, theo Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), đối với cá tra thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con có giá 22.500 - 23.000 đồng/kg và 21.000 - 22.000 đồng/kg đối với cá có chất lượng thịt vàng, đỏ (tùy loại). Riêng tại thị trường Đồng Tháp, giá cá tra cao nhất đạt 23.500 đồng/kg đối với cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết thị trường xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc hơn trong những tháng còn lại của năm nay bởi vì các thị trường chính đã bắt đầu hoạt động mạnh trở lại sau kỳ nghỉ hè, trong khi đó, nguồn cung cá nguyên liệu trong nước giảm mạnh do người nuôi bị lỗ nặng một thời gian dài.
Theo Vasep, lượng cá tra nguyên liệu trong quý III/2012 sẽ thiếu hụt khoảng 30% so với nhu cầu chế biến, do đó, dự báo giá cá tra sẽ tiếp tục tăng nhưng phụ thuộc quá trình phục hồi vốn của doanh nghiệp, người nuôi cá và tình hình cung cầu.
Related news

Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và giá bán trái cao nên thanh long ruột đỏ đang được nhà vườn đầu tư phát triển làm nhánh giống trở nên khan hiếm. Nhánh thanh long giống ruột đỏ nhà vườn bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/nhánh có kích thước từ 30 - 40 cm. Thương lái mua trái tại nhà vườn với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, vào thời điểm hút hàng, giá cao nhất là 52.000 đồng/kg.

Xu hướng nông nghiệp đô thị ngày càng phát triển, tiếp thu những ứng dụng hiệu quả trong chăn nuôi, trang trại (TT) ông Trần Văn Lý (ấp 1, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã bắt đầu ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi heo, góp phần tích cực vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh về giá thành.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).