Tín Hiệu Mới Trong Nuôi Tôm Thương Phẩm
Đến thời điểm này, các vùng nuôi tôm thương phẩm tỉnh Ninh Thuận đã vào vụ chính từ 1 đến 2 tháng, với diện tích đang nuôi khoảng 385 ha, chủ yếu tập trung ở các hộ có tiềm lực, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh.
Tuy diện tích thả nuôi chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tỉnh, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm và giá bán tôm thương phẩm tăng. Đây được coi là tín hiệu mới dự báo sự khởi sắc của nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh năm nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính trong gần 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 72 ha diện tích tôm bệnh, chủ yếu ở giai đoạn 10 - 30 ngày tuổi với các dấu hiệu của bệnh do môi trường, hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính (AHPNS). Song nếu so với tổng diện tích thả nuôi tôm thương phẩm toàn tỉnh là 675 ha (bao gồm 20 ha tôm sú, 655 ha tôm thẻ chân trắng của năm 2012 chuyển sang và diện tích thả nuôi trước vụ chính), thì tỷ lệ tôm bệnh chỉ chiếm hơn 10% diện tích, một con số rất thấp và được coi là biểu hiện ổn định, không đáng lo như mọi năm.
Dù kết quả trị bệnh tôm bằng việc sử dụng kháng sinh của một số hộ nuôi chưa thực sự rõ ràng và đồng đều, nhưng ở các hộ có tiềm lực áp dụng mô hình ao ương hay mô hình Biofloc, bước đầu đã có kết quả khả quan, hạn chế được hội chứng EMS, hay còn gọi là hội chứng AHPNS. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết: Hội chứng tôm chết sớm (EMS) đã được các nhà khoa học tìm ra tác nhân gây bệnh, khẳng định là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Dù chưa có thuốc đặc trị nhưng việc tìm ra tác nhân đã giúp người nuôi định hướng, có cách xử lý khắc phục trong quá trình nuôi.
Cùng với thông tin trên, người nuôi cũng đang phấn khởi vì giá bán tôm cao, cụ thể giá tôm sú (loại 40 con/kg) vào khoảng 135.000 đồng/kg và giá tôm thẻ chân trắng dao động từ 95.000-115.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Qua thu hoạch toàn bộ diện tích tôm sú, 213 ha diện tích tôm thẻ, ước đạt sản lượng 20 tấn tôm sú và khoảng 2.230 tấn tôm thẻ (riêng đối tượng này cho năng suất trung bình 10-12 tấn/ha). Nhìn bao quát, có thể thấy tôm thẻ chân trắng đang trở thành đối tượng nuôi chính ở tỉnh Ninh Thuận, nhiều hộ nuôi thành công, lãi chí ít cũng vài trăm triệu đồng/ha.
Theo Chi cục NTTS tỉnh, chính giá bán cao đang tạo ra động lực thúc đẩy người nuôi đầu tư chiều sâu như: áp dụng quy trình cải tiến về mật độ thả nuôi, sử dụng ao chứa lắng xử lý triệt để nguồn nước đầu vào và ao xử lý nước thải hạn chế lây lan mầm bệnh trong vùng nuôi, tăng cường hệ thống quạt nước, sục khí, đầu tư máy cho ăn, hệ thống lưới ngăn chim... Điều đáng chú ý trong nghề nuôi tôm thẻ khi vào chính vụ năm nay là việc có thêm mô hình nuôi mới “CPF Green house” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc quản lý khu vực Ninh Thuận-Bình Thuận của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP nói, các hộ nuôi tôm trong tỉnh qua thí điểm áp dụng hệ thống an toàn sinh học và quản lý ao nuôi, ao ương có nhà lưới lam theo mô hình “CPF Green house” của công ty đều thoát khỏi ảnh hưởng của AHPNS.
Tuy nhiên do đa số hộ nuôi tôm ở tỉnh ta là hộ nuôi nhỏ lẻ, thiếu điều kiện đầu tư nên hầu hết diện tích nuôi chưa có ao chứa, xử lý nước thải, dẫn đến tình trạng nước thải từ các ao nuôi vẫn được xả thải trực tiếp ra môi trường. Điều này đe doạ bệnh tôm tiếp tục xảy ra trong khi vẫn chưa thật sự có biện pháp phòng trị hiệu quả AHPNS.
Rõ nhất là vùng nuôi tôm đầm Nại (Ninh Hải), nơi điều kiện môi trường không còn bảo đảm nhưng người nuôi nhỏ lẻ vẫn thả nuôi vì không có công việc làm nào khác. Thực tế với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi tập trung vẫn chưa được cải thiện đáng kể, khiến cho nhiều người nuôi có tiềm lực vẫn thận trọng, không mạnh dạn đầu tư vụ nuôi mới.
Trước thực trạng trên, từ nay đến cuối năm, Chi cục NTTS tỉnh tiếp tục triển khai công tác quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường kiểm tra mức độ cảm nhiễm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây hội chứng AHPNS nhằm đánh giá nguy cơ bệnh cho tôm nuôi để đưa ra cảnh báo sớm và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Related news
Huyện Phú Quý (Bình Thuận) không những được thiên nhiên ban tặng là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn, đa dạng và phong phú mà còn là nơi có tiềm năng nuôi trồng thủy sản như khu vực Lạch Dù, Mộ Thầy. Chỉ tính hai nơi này diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản trên 5 ha.
Nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã phát triển mạnh và sản phẩm rắn đã xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực châu Á, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân.
Tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là “vương quốc heo” đang điêu đứng vì giá heo liên tục tụt dốc, từ 52.000 đ/kg nay chỉ còn 42.000 đ/kg. Điều đáng nói, trong khi nhiều mặt hàng như lúa gạo, cá ba sa, cá tra khi giá rớt “đáy” Chính phủ đều có gói giải pháp để cứu, nhưng con heo thì chẳng thấy ai quan tâm.