Tìm Thuốc Tạo Trầm Cho Cây Dó
Author:
Publish date: Tuesday. June 19th, 2012
Một số chuyên gia tính toán, nếu có 100 triệu cây dó bầu (100.000ha) tác động mỗi cây cho ra 1kg trầm loại chất lượng thấp, bán với giá 100USD/kg thì Việt Nam sẽ thu về 10 tỷ USD/chu kỳ 10 năm.
Sau 30 năm nghiên cứu, ông đã tìm ra bài thuốc tạo trầm cho cây dó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân và nhiều nông dân trồng trầm khác. Đó là ông Trần Văn Hoàng ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM.
Đi theo sự quyến rũ...
Thế giới chỉ có vài nước cung cấp trầm hương là Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó trầm hương Việt Nam được đánh giá là có chất lượng cao nhất. Tưởng “ngon ăn”, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, một số người chuyên khai thác trầm hương tự nhiên ở Tiên Phước (Quảng Nam), Hoài Ân (Bình Định)... đã đưa cây dó bầu từ rừng về trồng ở vườn nhà. Sau đó, nhiều người đã mày mò tạo trầm hương trên cây dó nhưng đều thất bại.
Ông Trần Văn Hoàng giới thiệu cây dó có đường kính 15cm có thể cấy thuốc tạo trầm.
Năm 1983, Công ty Ngoại thương Tư Nghĩa (thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Nghĩa Bình) - nơi ông Hoàng đang công tác, bắt đầu thu mua trầm hương để xuất khẩu.
“Từ đó, trầm hương đã cuốn hút và “quyến rũ” tôi một cách kỳ lạ. Thế rồi, năm 1990, khi đang làm phó phòng, tôi nộp đơn xin nghỉ việc, về nhà mở lò chiết tinh dầu trầm cùng với 2 người bạn. Làm được 4 năm, do hàng hóa cạn kiệt nên tôi lại nghỉ, vào Đồng Nai đóng gạch thuê kiếm sống qua ngày, nhưng ước vọng tìm bài thuốc tạo trầm vẫn cứ luôn lởn vởn trong đầu. Đến năm 2002, nhớ nghề chịu không nổi, tôi quay lại với trầm hương và quyết tâm tìm cho ra bài thuốc này” – ông Hoàng kể.
Nghĩ là làm, ông Hoàng liên kết với PGS-TS Trần Lê Quang và thạc sĩ Đặng Uy Nhân (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) với mong muốn tìm thuốc tạo trầm cho cây dó. “Chúng tôi tìm ra một loài vi sinh, cho cấy vào rễ, sau 4 tháng thấy có trầm kéo dài theo rễ khoảng 2 tấc, nhưng số lượng ít. Tôi đưa men cho ông Nguyễn Anh (Quảng Nam) cấy vào một số cây lớn, sau 1,5 năm đã thu được trầm, có mùi thơm hoàn toàn giống trầm thiên nhiên. Ông Anh bán số trầm trên cho một người ở Hội Trầm hương Việt Nam với giá 400USD/kg” – ông Hoàng cho biết.
Thành công, ông Hoàng cho phát triển loại men này, đưa ra cấy trên diện rộng ở miền Đông Nam Bộ. Sau 6-12 tháng, cắt cây dó kiểm tra thì thấy độ tụ trầm không những đạt tốt, mà cây vẫn sống bình thường, lớn nhanh và không hề chết một cây nào, như vườn ông Ngô Duy Tư, ông Võ Trọng Nha (huyện Tân Phú, Đồng Nai)…
Giúp nông dân kiếm tiền tỷ
Gặp chúng tôi, ông Võ Trọng Nha, cho biết, hiện vườn ông đang trồng 10.000 cây dó, đã tạo trầm cho 7.000 cây nhờ thuốc của ông Hoàng. Ông Nha cho biết, trước đó từng có nhiều người đem thuốc tạo trầm lên vùng này bán, ông cũng đã mua để cấy thử nhưng đều thất bại vì cây dó không tạo trầm.
“Bà con nông dân nếu ai muốn cấy thử nghiệm trên thân cây dó ở vườn nhà mình, tôi sẵn sàng hướng dẫn cách tạo trầm. Sau 3 tháng là ta có thể cắt ra kiểm tra độ tụ trầm của cây”.
Ông Trần Văn Hoàng
“Năm 2009, tôi tình cờ gặp anh Hoàng, lúc đầu cũng không tin nên chỉ cho cấy thử nghiệm 10 cây, thấy thành công mới cho nhân rộng ra 7.000 cây như hiện nay. Cây dó tạo ra lợi nhuận cao vì cành, thân đến rễ đều có thể bán được với giá cao. Mỗi ha trồng khoảng 1.000 - 1.500 cây, nếu mỗi cây tạo được 3 kg trầm (loại 5 triệu đồng/kg) thì nông dân thu về 15 - 20 tỷ đồng/ha, đó là chưa kể nếu tạo được trầm chất lượng cao, bán giá 10 - 15 triệu đồng/kg thì cây dó bầu sẽ cho thu nhập “khủng”.
Tôi đã thu thử nghiệm, thương lái vào mua trả giá cao và rất hài lòng về chất lượng trầm. Cuối năm nay, tôi sẽ thu hoạch đại trà, chắc chắn lời lớn” – ông Nha cười tít mắt.
Một số chuyên gia tính toán, nếu có 100 triệu cây dó bầu (100.000ha) tác động mỗi cây cho ra 1kg trầm loại chất lượng thấp, bán với giá 100USD/kg thì Việt Nam sẽ thu về 10 tỷ USD/chu kỳ 10 năm. Hoặc toàn bộ cây dó đã tạo trầm như trên chế biến thành tinh dầu (50 cây/lít), giá bán 6.000USD/lít thì giá trị tạo ra 12 tỷ USD.
Theo ông Hoàng, chuỗi hạt được tiện từ cành nhánh tụ trầm, bán 1,5-2 triệu đồng/chuỗi; cành nhánh qua 4 tháng cấy thuốc bán thấp nhất cũng được 250.000 đồng/kg; sánh (trầm miếng lớn) 1 tuổi bán 4,5 triệu đồng/kg; phần còn lại thì chưng cất tinh dầu... “Nói chung là cây dó không bỏ bất cứ cái gì. Mỗi cây dó tạo được trầm sẽ đem lại giá trị kinh tế cũng 20 triệu đồng/cây” - ông Hoàng khẳng định.
Related news
Mật Ong Rừng Tràm Xác Lập Giá Mới Ở Cà Mau
Lần đầu tiên, mật ong - đặc sản rừng tràm U Minh Hạ đạt mức giá cao kỷ lục khi được bán từ 350.000 - 500.000 đồng/lít. Mức giá trên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012.
Tuesday. June 19th, 2012
Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Sắn Tại Phú Yên
Theo người dân, diện tích sắn bị hại do nhện đỏ gây ra trên địa bàn huyện Sông Hinh hơn 40ha, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Giang diện tích trên 20ha, thôn Bình Giang, Chí Thán xã Đức Bình Đông 15ha, xã Ea Bia 5ha. Bệnh lây lan rất nhanh, phát triển bệnh ở những diện tích trên đồi cao, vùng khô hạn. Biểu hiện của bệnh này gây rụng lá, cây ngưng phát triển
Tuesday. June 19th, 2012
Mía Rớt Giá, Tái Diễn Điệp Khúc Trồng Rồi Chặt
Chi phí đầu tư tăng cao, nhưng giá mía lại sụt giảm khiến người trồng mía ở ĐBSCL lỗ nặng. Điệp khúc trồng mía rồi lại chặt tái diễn.
Tuesday. June 19th, 2012