Prices / Tin nông nghiệp

Tiên phong trồng na ở vùng đất thừa hạn, thiếu mưa

Tiên phong trồng na ở vùng đất thừa hạn, thiếu mưa
Author: Lê Khánh
Publish date: Thursday. September 7th, 2017

Nhiều năm trầy trật với đủ các giống cây mà không mang lại hiệu quả nhưng điều đó không hề khiến ông bỏ cuộc. Quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình đã được đền đáp xứng đáng khi giờ đây vườn na ông dày công chăm sóc suốt hơn 10 năm cho bộn trái.

Vườn na 4ha của ông Tâm cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng

Sức mạnh của ý chí

Để có được những thành công như ngày hôm nay, Võ Hồng Tâm ở xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã phải trải qua một thời gian dài loay hoay tìm cây trồng thích hợp với quê hương mình.

Nếu những người khác chọn cây trồng ngắn ngày thì ông lại chọn các loại ăn quả lâu năm. Ông Tâm bảo: “Họ chọn cây ngắn ngày vì đa số những người đó là từ nơi khác đến, không muốn gắn bó lâu dài với vùng đất này. Còn riêng tôi, tôi quyết định sẽ làm giàu trên chính quê hương mình nên tìm một hướng đi bền vững hơn”.

Biết thế nhưng đâu phải muốn là đạt được ngay. Những năm đầu tiên các loại cây ông Tâm trồng đều không mang lại hiệu quả nếu không muốn nói là thất bại. Hầu như cứ gặp cây gì là ông trồng cây đó. Ông vừa trồng lấy kinh nghiệm vừa thử xem loại cây nào thích hợp với chất đất của địa phương.

Ông Tâm cho biết: “Các loại cây ăn quả thì hầu như tôi cũng trồng gần hết rồi nhưng chẳng được gì. Phần vì mình không tìm hiểu kỹ thuật, đặc tính của cây trước khi trồng phần vì trâu bò, con người phá hoại nên hết cây này tới cây khác trồng được vài năm lại bỏ”.

Đến năm 1999, ông Tâm phát hiện ra cây na trồng trên đất Phước Minh sinh trưởng tốt lại cho quả to, thơm ngon. Những gì nhìn thấy đã trở thành động lực thôi thúc ông ngày đêm khai hoang, san lấp được 4ha đồi núi thành một vùng đất bằng phẳng để tập trung phát triển cây na. Để khẳng định chắc chắn hiệu quả một lần nữa, năm đầu tiên ông chỉ trồng vài sào na thử nghiệm. Số diện tích còn lại thì ông trồng các loại cây khác như hành, tỏi, ớt để tránh lãng phí.

Sau 2 năm, vườn na của ông Tâm bắt đầu cho thu hoạch. “Phải nói là hiệu quả của cây na lúc đó ngoài mong đợi. Cây phát triển rất tốt, năng suất cao lại bán được giá nên gia đình tôi rất phấn khởi. So với các cây ớt, tỏi trồng trên cùng một địa điểm thì cây na mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều. Từ thời điểm đó, tôi quyết định dùng cả 4ha đất để trồng na và không trồng thêm bất kỳ loại cây gì khác nữa”, ông Tâm nhớ lại.

Việc chủ động thời gian cho cây ra hoa, thu hoạch càng làm tăng hiệu quả SX

Thành công nối tiếp thành công, 4ha na của ông cho thu nhập đều đặn mỗi năm 2 vụ với sản lượng vài chục tấn, nếu được mùa có thể lên đến 100 tấn. Với giá bán cao nhất là 40.000 đồng (loại 1), 30.000 đồng (loại 2), 15.000 đồng (loại 3) thì tính ra mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng tiền bán loại cây này. Sau khi trừ tất cả các chi phí cũng lãi từ 500 - 600 triệu đồng.  

Không bao giờ lỗ

Ông Tâm chính là người khởi xướng cho phong trào trồng na ở Phước Minh. Hiệu quả kinh tế mà cây na mang lại cho gia đình ông đã trở thành một mô hình điểm để người dân trong vùng học tập và làm theo.

“Nếu làm được các vấn đề trên thì trồng na không bao giờ bị lỗ, chắc chắn phải lãi gấp 3 lần chi phí. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải linh động trong việc đầu tư chi phí. Điều này cũng đơn giản vì khi cây na ra quả mình quan sát xem lượng hoa ra có nhiều hay ít mà gia giảm phân bón đầu tư. Bởi thế nên người trồng không thể lỗ được. Cuối cùng là nên coi trọng số lượng hơn chất lượng. Một cây không cần phải có lượng trái nhiều mà chỉ cần trái quả to thì sẽ được giá hơn. Mỗi cây cho khoảng 5kg là được rồi”, ông Tâm tâm sự.

Tính đến nay, toàn xã Phước Minh đã có hàng chục hộ trồng na với diện tích gần 20ha và vẫn không ngừng mở rộng. Thực tế đã chứng minh cây na có khả năng chống chịu được với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở đây. Mặc dù vườn na của ông Tâm cũng như tất cả những người dân ở đây đã trồng hơn 10 năm những vẫn rất xanh tốt, ít sâu bệnh, chưa bao giờ diễn ra tình trạng chết liên tục với số lượng lớn.

“Biết là cây na chống chịu tốt nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố chăm sóc của con người. Cây nào thì cũng cần nước cả nên vấn đề đầu tiên là mình phải đảm bảo đủ nước tưới cho nó. Tiếp nữa là phải bón phân hàng năm chứ trồng lâu đất cũng thoái hóa dần. Loại phân chủ yếu vẫn là phân chuồng bón 1 lần vào đầu năm. Bên cạnh đó, vào thời điểm cây ra hoa thì bổ sung thêm một số loại phân khác như phân đạm, NPK”, ông Tâm nói.

Trồng được cây là một phần nhưng để phát huy được tối đa hiệu quả của nó thì phải có cách thức phù hợp. Điều này cũng được ông Tâm thực hiện rất thành công bằng việc điều chỉnh thời gian và hình thức thu hoạch theo ý muốn.

Theo ông Tâm, với cây na sau khi cắt cành và tuốt hết lá thì khoảng 4 tháng sau là có thể thu hoạch được. Do đó, người trồng có thể chủ động lựa chọn thời điểm nào hái trái để thực hiện việc cắt cành, tuốt lá trước đó.

“Na bán được giá thì phải lựa lúc nào các loại cây ăn quả khác như chôm chôm, nhãn, vải... hết vụ thu hoạch chưa tới vụ mới khỏi phải cạnh tranh. Chủ động được thời gian thu hái nên tôi thường "né" thời điểm thị trường trái cây nở rộ vào khoảng tháng 6 đến tháng 7 hàng năm.

Ngoài ra, để tránh việc thu hoạch ồ ạt, khó tiêu thụ nên tôi áp dụng biện pháp luân phiên cắt cành mỗi lần 5 sào. Có như vậy thì mình thu hoạch được thường xuyên, không lo sợ sản phẩm xuất một lần quá nhiều gây khó khăn trong việc tiêu thụ”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Tâm đầu tư 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Việc cắt cành ngoài mang mục đích điều khiển thời gian ra trái còn có tác dụng hạn chế sự phát triển của tán và chiều cao cây. Vì là cây ăn quả lâu năm nên nếu trên một diện tích cố định mà tán lá quá rộng, chen nhau khiến năng suất giảm đi. Na sau khi cắt cành sẽ ra những nhánh tơ sức sống khỏe, cho quả to hơn. Đồng thời, người trồng nên khống chế chiều cao của cây khoảng 2m nhằm thuận lợi cho việc thu hái, giảm các yếu tố ngoại lực tác động đến sức khỏe của cây.

Nhằm tăng thêm thu nhập, vừa qua ông Tâm mở rộng diện tích trồng na thêm 3ha nữa. Để hạn chế chi phí tiền nhân công, năm 2016 ông Tâm cũng bỏ ra gần 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.

“Có hệ thống tưới này thì mình khỏe hơn nhiều. Chỉ mình tôi cũng có thể vận hành tưới được khắp vườn, chứ trước đây phải thuê nhân công mỗi tuần tưới 1 lần, vừa vất vả lại tốn kém. Thực ra thì khi có vốn rồi mình làm cái gì cũng thoải mái. Chứ trước kia có ít tiền, muốn mua cái máy bơm cũng phải suy tính kỹ lắm”, ông Tâm cười bảo.


Related news

Bỏ mía trồng bông súng, cây ăn trái, lãi hơn 400 triệu đồng/năm Bỏ mía trồng bông súng, cây ăn trái, lãi hơn 400 triệu đồng/năm

Hiện gia đình ông Lợi tích lũy được 24 công vườn trồng cam sành, cam xoàn, nhãn, mận, xoài...theo tiêu chuẩn VietGap.

Thursday. September 7th, 2017
Trồng cỏ cho trang trại bò sữa thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm Trồng cỏ cho trang trại bò sữa thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Người nông dân trồng rau hữu cơ ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình không lo đầu ra. Rau luôn bán được giá cao và giữ giá.

Thursday. September 7th, 2017
Nâng cao hiệu quả xử lý nghịch vụ cây ăn trái Nâng cao hiệu quả xử lý nghịch vụ cây ăn trái

Thời gian gần đây, hiệu quả từ việc xử lý nghịch vụ trên vườn cây trồng có xu hướng sụt giảm do chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết

Thursday. September 7th, 2017