Giá / Mô hình kinh tế

Tiềm Năng Và Triển Vọng Cây Thanh Long Chợ Gạo (Tiền Giang)

Tiềm Năng Và Triển Vọng Cây Thanh Long Chợ Gạo (Tiền Giang)
Tác giả: 
Ngày đăng: 18/06/2013

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, theo Bộ Công thương trái thanh long đóng góp đến trên 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm của cả nước. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và truyền thống của trái thanh long.

Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á, EU, Mỹ... cũng là thị trường tiềm năng. Trong tháng 5/2013 vừa qua, Sở Công thương - Thường trực Ban Chỉ đạo về hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đã tổng kết Dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mô hình thí điểm tại Tiền Giang mà thanh long Chợ Gạo được chọn là đối tượng nghiên cứu.

Tại đồng bằng sông Cửu Long có hai địa phương hình thành được vùng trồng chuyên canh thanh long hàng hóa lớn là Tiền Giang và Long An. Ở Tiền Giang, diện tích thanh long hiện đã mở rộng lên gần 3.000 ha, tập trung tại huyện Chợ Gạo. Hàng năm, Chợ Gạo cung ứng không dưới 50.000 tấn trái thanh long đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Nói về hiệu quả kinh tế, thanh long Chợ Gạo đạt năng suất trên 20 tấn/ha. Những hộ thâm canh giỏi có thể lên đến 40 tấn/ha. Từ đầu năm đến nay, giá thanh long luôn giữ ở mức cao, có lúc 27.000 - 28.000 đồng/kg, còn tính bình quân giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi ha bà con thu lãi 100 - 200 triệu đồng/năm.

Xác định thị trường lớn nhất của thanh long là xuất khẩu, tỉnh xây dựng đề án dài hơi phát triển cây thanh long Chợ Gạo giai đoạn 2009-2015, mục tiêu đến năm 2015 mở rộng diện tích vùng chuyên canh lên 5.000 ha, gấp đôi hiện nay. Theo lãnh đạo huyện Chợ Gạo, qua 4 năm thực hiện đề án (2009 - 2012), toàn huyện đã trồng mới được hàng ngàn ha thanh long, cải tạo gần 600 ha thanh long già cỗi, áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh nên nâng năng suất bình quân lên 30 tấn/ha, tăng gấp đôi so với năm 2008 cách đây 5 năm.

Để cây thanh long và người trồng vượt khó, bắt nhịp cùng thị trường, trong 4 năm qua (giai đoạn I của đề án), người dân trồng thanh long Chợ Gạo đã nhận được 3,2 tỉ đồng đầu tư từ nhiều nguồn cho các mục tiêu: Cây giống tốt, trụ đỡ bằng bê tông, cải tạo trồng mới, xây dựng trại thực nghiệm nhân giống thanh long. Ngoài ra, cán bộ khuyến nông tổ chức gần 500 cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, trồng thanh long theo ngưỡng an toàn, kỹ thuật ủ phân hữu cơ, kỹ thuật xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ... thu hút 16.800 lượt nông dân.

Nhiều đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông... triển khai tại vùng chuyên canh nhằm mục đích phát huy tiềm năng cây trồng đặc sản hướng tới xuất khẩu trong giai đoạn mới. Đó là chương trình "Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long Chợ Gạo" (Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang), chuyển giao qui trình trồng thanh long theo tiêu chí VietGAP (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) ở Quơn Long, thí điểm trồng thanh long VietGAP tại Mỹ Tịnh An và Lương Hòa Lạc (Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang)...

Đáng mừng, qua đó đã có 2 tổ hợp tác (THT) trồng thanh long là THT Lương Phú (xã Lương Hòa Lạc) và THT Quơn Long (xã Quơn Long) được công nhận đạt tiêu chí VietGAP trên tổng diện tích gần 40 ha thanh long. Tại vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo đã có mạng lưới tiêu thụ gồm: 1 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác, 3 doanh nghiệp, 47 cơ sở kinh doanh cá thể... mỗi năm thu mua hàng chục ngàn tấn thanh long.

Trong tháng 5/2013, Sở Công thương đã tổng kết Dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mô hình thí điểm tại Tiền Giang mà thanh long Chợ Gạo được chọn là đối tượng nghiên cứu. Trong khuôn khổ Dự án, Ban Chỉ đạo đã có báo cáo chi tiết về kết quả phân tích chuỗi giá trị và giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị thanh long. Từ đó, khắc phục các hạn chế, phát huy những mặt mạnh để quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Theo ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương, Dự án đã đạt được những kết quả tốt thể hiện trên các mặt: Giải pháp khả thi nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm thanh long, chia sẻ thông tin bổ ích, xây dựng cẩm nang hướng dẫn, đặt nền tảng cho chính sách đẩy mạnh xuất khẩu trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trái thanh long Chợ Gạo trong thời gian tới...

Thông qua Dự án, ông Đặng Thanh Liêm đề xuất 7 chính sách lớn mang tính dài hơi phát triển xuất khẩu cho trái cây chủ lực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là: Nhóm chính sách liên quan thị trường, quy hoạch vùng và đầu tư theo quy hoạch, nâng cấp chuỗi giá trị cây ăn trái thông qua liên kết vùng, công cụ tài chính đủ mạnh để liên kết chuỗi giá trị, giải pháp khoa học và công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Lãnh đạo huyện Chợ Gạo cho biết, địa phương tập trung qui hoạch phát triển vùng chuyên canh tại 11 xã trọng điểm. Ngoài việc khuyến khích đầu tư chuyển đổi qui trình trồng từ trụ đỡ thanh long bằng cây xanh sang trụ bê tông, thâm canh theo khoa học và hướng tới sản xuất qui trình GAP, kiện toàn điện đường trường trạm,... Chợ Gạo có các giải pháp thích hợp gắn kết nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích hợp đồng bao tiêu và cung ứng vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh liên doanh liên kết trong sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu thanh long...


Có thể bạn quan tâm

Thí Điểm Mô Hình Trồng Bưởi Năm Roi Và Chanh Không Hạt Thí Điểm Mô Hình Trồng Bưởi Năm Roi Và Chanh Không Hạt

Trước tình hình giá mía bấp bênh như hiện nay, việc chuyển đổi một phần diện tích mía nằm ngoài vùng đê bao và vùng trũng sang trồng bưởi Năm Roi và chanh không hạt sẽ là hướng đi mới cho người trồng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang). Theo đó, vùng nguyên liệu dự kiến bước đầu sẽ được triển khai thí điểm khoảng 50ha bưởi Năm Roi và chanh không hạt.

18/06/2013
Thủ Lĩnh Nông Dân Thủ Lĩnh Nông Dân

Ở xã Trà Giác (Bắc Trà My), nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã A Lăng Má, nhân dân địa phương coi anh như “chiếc phao” giúp đồng bào thoát nghèo.

18/06/2013
Sen Mất Mùa, Rớt Giá Sen Mất Mùa, Rớt Giá

Từ năm 2007 đến nay vợ chồng anh Sáu Phù Sa ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn liên tục trồng 10 sào sen ở đầm Mông Lãnh. Từ lúc chuyên canh sen, cuộc sống của gia đình anh không còn khó khăn như trước. Anh Sáu cho biết, những năm qua nhờ nguồn nước không bị nhiễm bẩn, củ giống chất lượng cao nên lứa sen nào cũng bội thu.

18/06/2013