Thuỷ Sản Nuôi Tăng Giá
Tuần qua, tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long giá một số loài thủy sản nuôi tăng giá như tôm, cá lóc, cá điêu hồng.
Giá cá lóc nuôi mua tại ao hiện đã tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg trong vòng hai tuần qua và đang ở mức 38.000 – 40.000 đồng/kg tuỳ loại. Gần một năm qua, giá cá lóc nuôi ổn định ở mức 37.000 đồng/kg, trong khi đó, giá bán lẻ tại chợ thường không dưới 50.000 đồng/kg. Theo nhiều người nuôi cá ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang… nhiều nông hộ trồng mía, nuôi cá tra bị thua lỗ đã chuyển sang đầu tư nuôi cá lóc, nên nhiều người nuôi cá lóc lo ngại giá cả sẽ xấu đi khi sản lượng tăng cao.
Cùng lúc này, sau một thời gian dài người nuôi cá điêu hồng bị điêu đứng vì không bán được cá, giá cá điêu hồng hiện ở mức trên 35.000 đồng/kg, tăng bình quân 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm.
Tại Cà Mau, giá tôm sú loại 30 con/kg và 40 con/kg đều tăng 5.000 đồng/kg lần lượt lên 180.000 đồng/kg và 155.000 đồng/kg. Giá tôm sú loại 20 con/kg giữ ổn định. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng lại giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tùy từng loại cân nặng. Cụ thể, loại 100 con/kg, 90 con/kg và 50 con/kg giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 83.000 đồng/kg, 93.000 đồng/kg và 127.000 đồng/kg. Giá loại 80 con/kg và 6 con/kg giảm 4.000 đồng/kg so với tuần trước, riêng giá tôm loại 70 con/kg giữ ổn định.
Giá tôm sú nguyên liệu tăng chủ yếu do nguồn cung từ nông dân khan hiếm. Thời tiết nắng nóng gay gắt và dịch bệnh tràn lan khiến nhiều hộ nông dân phải bỏ ao nuôi.
Related news
An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đó, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương, trong đó huyện An Phú được chọn thí điểm 2 mô hình ở xã Phú Hữu và Khánh An.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ mới, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa (trên địa bàn xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) đã chủ động ứng dụng công nghệ dùng men vi sinh sản xuất tôm giống sạch; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ nhu cầu thả nuôi luân canh, xen canh với tôm sú.
Theo lịch thời vụ, các hồ đã tiến hành thả tôm giống đợt 1 năm 2013 được gần 20 ngày. Nhưng nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh hiện vẫn án binh bất động. Nhiều diện tích hồ nuôi tôm trên cát bỏ hoang phế vì liên tục thất bại.