Thủy sản Bảo Thắng có bước phát triển mới
Anh Nguyễn Văn Hợp ở thôn Khởi Khe là một trong những hộ điển hình nuôi thủy sản ở thị trấn Phong Hải. Gia đình anh có tổng diện tích ao nuôi 2,1 ha (trong đó 1,4 ha ao thầu của thị trấn), sản lượng mỗi năm đạt từ 20 đến 25 tấn cá thương phẩm. Anh nuôi thâm canh các loại cá rô, chép theo hướng công nghiệp từ 6 năm nay. Anh lắp đặt hệ thống 6 sục khí lớn và 4 máy bắn thức ăn công nghiệp, xây bờ kè kiên cố và hệ thống dẫn, điều tiết nước đảm bảo chế độ nước ra, vào hợp lý, nguồn nước trong ao luôn được sạch sẽ. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản của gia đình anh tăng hằng năm, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi.
Hiện, diện tích ao, hồ ở thị trấn Phong Hải là 108 ha, sản lượng trung bình 4 tấn cá/ha/năm. Trên địa bàn thị trấn có 300 hộ nuôi thủy sản, hằng năm, UBND thị trấn đều xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản, trong đó tập trung vào nuôi thâm canh và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về thủy sản cho các hộ nông dân. Đồng chí Vũ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải cho biết: Những năm trước đây, các hộ nuôi quảng canh, mỗi năm chỉ thu được một lứa. Dần dần, bà con đã quan tâm và đầu tư lớn cho thủy sản, nhiều hộ tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có về tự nhiên và những sản phẩm nông sản tại chỗ, như ngô, sắn làm nguồn thức ăn phục vụ nuôi thủy sản. Hiện nay, ở thị trấn Phong Hải đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản điển hình và trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ có thu nhập hằng năm từ 150 triệu đồng trở lên.
Chăm sóc cá giống bố, mẹ tại Trại Giống thủy sản cấp I (Phú Nhuận, Bảo Thắng).
Huyện Bảo Thắng hiện có trên 700 ha nuôi thủy sản. Phát triển nghề nuôi thủy sản ngày càng được quan tâm, đặc biệt là chuyển dần từ phương pháp nuôi truyền thống sang nuôi bán công nghiệp hoặc công nghiệp.
Nhiều hộ đã chủ động đầu tư trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, không chỉ nuôi các loại cá phổ biến trên thị trường như rô phi, trắm, chép… nhiều hộ còn đầu tư phát triển một số loại giống thủy sản mới, có giá trị kinh tế và năng suất cao: Cá trê phi, cá nheo, cá chim và một số loài khác ngoài cá: Tôm, ếch, ba ba…
Bên cạnh đó, các mô hình nuôi cá mới đã xuất hiện như nuôi cá lồng trên sông, hồ. Gia đình ông Lê Anh Tinh ở thôn Phú Hải 1, xã Phú Nhuận đã tận dụng mặt hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã để đầu tư nuôi cá lồng. Hiện, gia đình đã có 12 lồng nuôi cá và cho thu trên 12 tấn cá thương phẩm mỗi năm.
“Gia đình tôi năm nay tiếp tục mở rộng thêm 7 lồng cá và đã học hỏi thêm kỹ thuật làm lồng đảm bảo chắc chắn hơn”, ông Tinh cho biết. Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn xuống thôn, tổ dân phố hướng dẫn bà con chuẩn bị ao nuôi, giống, quản lý chăm sóc đàn cá đúng khung thời vụ.
Toàn huyện Bảo Thắng có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống trên địa bàn. Các chủng loại giống thủy sản được đưa vào nuôi đại trà trên địa bàn huyện do Trại Giống thủy sản cấp I của tỉnh (tại xã Phú Nhuận) sản xuất chiếm trên 70%.
Hiện nay, Trại đã lai tạo thành công một số giống cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, kích thước thương phẩm lớn, có khả năng phòng bệnh tốt. Trại còn nhập thêm một số giống cá mới từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I như cá lăng chấm, cá bống, cá nheo... với ưu điểm thích hợp điều kiện môi trường, nuôi thủy sản tại địa phương và có giá trị thương phẩm cao.
Nhiều hộ ở huyện Bảo Thắng còn làm chủ được kỹ thuật sản xuất giống thủy sản, như anh Nguyễn Văn Hợp (thị trấn Phong Hải), 2 năm trở lại đây đã gây thành công giống cá chép, mỗi năm cung cấp ra thị trường 40 vạn con giống.
“Bám sát chu kỳ sinh sản của cá, quan sát tỉ mỉ và bắt tuyển chọn được giống cá bố mẹ tốt nhất, nhiều đàn hàng vạn con, nhưng chỉ có thể chọn được vài con, phải có hệ thống dẫn nước bơm thải hợp lý và vợt hứng trứng”, anh Hợp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cá giống.
Để nghề nuôi thủy sản ngày càng phát triển, huyện Bảo Thắng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức, tập quán nuôi truyền thống, đẩy mạnh thâm canh, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Xây dựng một số mô hình điểm để nhân dân tham quan, học tập. Duy trì, cải tạo, thâm canh các diện tích thủy sản hiện có.
Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ và các loại thủy đặc sản như cá nheo, cá chiên để tăng giá trị sản xuất. Tiếp tục chỉ đạo nuôi thử nghiệm một số giống cá nước ngọt mới có giá trị kinh tế làm mô hình điểm để các tổ chức, cá nhân học tập nhằm phát triển giống cá có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương.
Bên cạnh đó, quản lý nguồn thức ăn đảm bảo các tiêu chuẩn; phát triển diện tích thủy sản theo hướng khai thác mặt nước hồ thủy lợi, kết hợp sử dụng các hồ chứa để nuôi thủy sản. Đồng thời, phối hợp, khai thác có hiệu quả với Trại Giống thủy sản cấp I trong việc chủ động con giống cho nhân dân ngay trên địa bàn huyện...
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành nông nghiệp huyện và sự thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, hứa hẹn những bước đột phá mới của ngành thủy sản Bảo Thắng trong thời gian tới.
Related news
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển. Đời sống của bà con nơi đây đa phần dựa vào biển cả, trong đó, mùa ruốc là mùa mà ngư dân ở đây mong đợi nhất - mùa làm ăn sung túc nhất trong năm.
Trong lúc câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong cả nước đang đặt ra không ít vấn đề, thì tại huyện nông thôn mới Nhà Bè (TPHCM), nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, gầy dựng được mô hình sản xuất hiệu quả.
Phường Nhị Mỹ, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang từng được biết đến là một làng nghề nổi tiếng của tỉnh nhà về nghề nuôi dưỡng, ương ép cá giống. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường cũng như sự thăng trầm của nền kinh tế vốn nhiều biến động cùng với điệp khúc “được mùa, rớt giá” thường xuyên xảy ra nên làng nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống của phường Nhị Mỹ cũng có khi lên, khi xuống.