Thủy Lợi Nuôi Tôm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đến thăm vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh Sóc Trăng, hỏi “Người nuôi tôm cần gì ở Chính phủ?”. Tất cả những người nuôi tôm đều trả lời “thủy lợi”. Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nói cụ thể hơn, hệ thống thủy lợi quá khứ để lại chỉ phục vụ trồng lúa, chưa phục vụ nuôi tôm.
Thiếu hệ thống thủy lợi chuyên biệt phục vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho vụ tôm đầu năm nay. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, có đến 78% diện tích tôm sú và 62,7% diện tích tôm thẻ chân trắng ở tỉnh này bị dịch hại. Huyện Trần Đề, nơi phát triển nuôi tôm công nghiệp mạnh mẽ, vụ nuôi năm nay mới thả giống được 2.548 ha công nghiệp thì bị dịch bệnh 1.507 ha (53%), nuôi quảng canh thả giống 1.102 ha bị thiệt hại 1.001 ha (91%). Ở đây Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh tập trung nhiều người nuôi công nghiệp diện tích lớn, nổi tiếng nhiều năm với nuôi kỹ thuật cao và luôn thắng lợi, năm nay cũng không chống đỡ nổi dịch bệnh, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bởi khi hệ thống thủy lợi chung đường nước vô ra, chỉ một ao bị dịch bệnh dễ lây lan ra diện tích lớn.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho rằng, phần lớn vốn cho thủy lợi chỉ tập trung vào xây dựng công trình mới, chưa chú trọng đến nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống. Điều này cũng thấy rõ ở vùng nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Huyện Trần Đề, Vĩnh Châu, hệ thống thủy lợi đã bị bồi lắng, xuống cấp, lại thiếu cống kiểm soát nguồn nước. Dự án khôi phục và nâng cấp đê cửa sông tả hữu huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, chiều dài 81,4 km, tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, đến nay vẫn dang dở 2 km đê, 8 cống, 25 bộng, 24 cầu giao thông và 34 km đường. Những khi triều cường, nước biển tràn vào gây thiệt hại lớn cho nuôi trồng thủy sản.
Lại còn rất nhiều dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đang thiếu vốn, chưa thể triển khai. Dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển tỉnh Sóc Trăng cần vốn 280 tỷ đồng, tất cả đã hoàn tất chỉ còn thiếu tiền để thực hiện. Giám đốc Sở NN%PTNT tỉnh Sóc Trăng Quách Văn Nam nói, hệ thống thủy lợi phải hoàn chỉnh để điều tiết nguồn nước mới đảm bảo nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế.
Cuối cùng lại là vấn đề đầu tư cho nông nghiệp. Rõ ràng, chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước, không đáp ứng được nhu cầu về hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm. Theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, cần phải tiếp tục đổi mới hàng loạt chính sách về đất đai, thương mại, tín dụng để các doanh nghiệp yên tâm đổ tiền đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm.
Related news
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ngoài hơn 50ha quýt đường của gần 100 hộ dân được trồng xen với cây lá dừa nước của hợp tác xã Thuận Phú (ấp Long Trị, xã Bình Phú, Càng Long) đã “ăn nên làm ra” (bình quân 01ha, nhà vườn thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm) thì địa bàn huyện Càng Long còn khoảng 200ha vườn cây có múi được trồng rải rác (chanh, bưởi, quýt, cam...các loại) ở các xã trong huyện. Đặc biệt, do những năm qua, một số trái cây: Xoài, dừa, chanh… giá không ổn định, nhà vườn Càng Long có hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bưởi da xanh được chọn làm cây trồng chủ lực. Từ đó, bưởi da xanh “đứng đầu bảng” về giá (đối với cây có múi), nhưng năm nay, dịch bệnh đã tấn công mạnh, làm cho nhiều nhà vườn lúng túng, không chống chọi nổi, đang rất cần nhà khoa học vào cuộc.
Mới đây, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang diễn ra Hội nghị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 - 2015). Hiệp hội ra đời vào thời điểm ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, từ người nuôi đến doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý đều mong mỏi Hiệp hội sẽ là cầu nối vững chắc để sắp xếp, ổn định lại trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia.