Thủy hải sản đánh bắt được từ 20 hải lý trở ra an toàn
Thứ trưởng Bộ NNTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám đã cho biết như trên khi trao đổi với Dân Việt chiều 2.5, xung quanh khuyến cáo của Bộ NNPTNT về việc xác định vùng đánh bắt cá an toàn hiện nay.
Đến thời điểm này, Bộ NNPTNT đã đưa ra khuyến cáo gì nhằm sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất cho các tỉnh ven biển miền Trung nơi xảy ra tình trạng cá biển chết hàng loạt, thưa ông?
- Để sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, khai thác thủy sản, góp phần ổn định đời sống ngư dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt ý kiến chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, đặc biệt là các nhiệm vụ được nêu trong Thông báo kết luận số 68/TB-VPCP, ngày 29.4 của Thủ tướng. Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản thu mua thủy hải sản đánh bắt xa bờ bảo đảm chất lượng cho ngư dân.
Vậy theo Bộ NNPTNT, thủy hải sản ở các vùng này có những tiêu chí xác định như thế nào để được xác định là an toàn, chất lượng?
- Các thủy hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra được xác định là vùng an toàn hải sản đảm bảo chất lượng, còn vùng dưới 20 hải lý cần căn cứ vào quan trắc và dự báo ngư trường của Viện Nghiên cứu hải sản và căn cứ vào thực tiễn từng địa phương, các tỉnh chỉ đạo việc khai thác, những sản phẩm khai thác được trong vùng này phải có giám sát về chất lượng. Nếu không đảm bảo chất lượng, cần hướng dẫn ngư dân quy trình tiêu hủy cá, đồng thời hỗ trợ ngư dân theo đúng chính sách nhằm đảm bảo đời sống cho ngư dân.
Thứ trưởng Bộ NNTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám.
Cơ quan nào sẽ thực hiện việc giám sát chất lượng thủy hải sản khai thác gần bờ, thưa ông?
- Hai Bộ NNPTNT và Y tế chỉ đạo vấn đề này, cụ thể Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NNPTNT) sẽ hướng dẫn các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản địa phương cùng với các lực lượng của Sở Y tế địa phương sẽ kiểm tra giám sát chất lượng hải sản.
Còn đối với các vùng nuôi trồng thủy sản, đến nay đã có đánh giá về chất lượng như thế nào, cũng như công tác giám sát ra sao, thưa ông?
- Trước mắt, cần tạm dừng việc nuôi trồng thủy sản, căn cứ vào tình hình quan trắc, các cơ quan nuôi trồng từ trung ương đến địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể tới các địa phương, hướng dẫn người nuôi lấy nước an toàn. Hiện nay khi chưa thả nuôi được, các chủ đầm hải sản có thể ươm hải sản 1 đến 1,5 tháng, sau thời gian đó thả nuôi vẫn không ảnh hưởng đến thời vụ.
Tất cả các vấn đề nuôi trồng cần căn cứ vào tình hình quan trắc ở các địa phương, đồng thời phải làm theo hướng dẫn của cơ quan nuôi trồng ở trung ương, địa phương, người dân không tự ý thả nuôi khi chưa có ý kiến của các cơ quan này. Cụ thể chi tiết về vấn đề này, trong chiều 2.5, Bộ sẽ có văn bản để gửi các địa phương, để các địa phương nắm bắt được tình hình nhằm hướng dẫn chính xác tới các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản.
Xin cảm ơn ông!
Related news
Trước hàng trăm ngàn tấn muối đang tồn đọng, đổ trắng đồng ở huyện Cần Giờ, các cấp ban ngành TP.HCM đang tìm mọi cách hỗ trợ, giải cứu diêm dân.
Từ vài hộ nuôi ba ba, đến nay toàn xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) có khoảng 50 hộ nuôi ba ba, trong đó hơn 30 hộ nuôi với quy mô lớn. Nhờ gắn bó với nghề, “hiểu” được tập tính của ba ba mà nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao.
Ngày mai (2.5), tại các chợ ở các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng sẽ có điểm bán cá sạch do Chi cục Thuỷ Sản – thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn làm đầu mối.