Thuốc Trừ Cỏ Làm Chết Cây Trồng
Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kông Chro (Gia Lai), thời gian qua, tại các xã Yang Trung, An Trung, Yang Nam, Chơ Long... đã xảy ra hiện tượng sau khi phun một loại thuốc trừ cỏ cho mía thì hàng chục hecta cây trồng xung quanh bị chết hàng loạt.
Người trồng mía ở Kông Chro đã mua các loại thuốc trừ cỏ: Metrimex 80 WP do Công ty cổ phần Vật tư bảo vệ thực vật Hà Nội phân phối, loại 1kg/gói; Atramet ComBi 80 WP do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật 1 Trung ương cùng Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam phân phối. Đây là những loại thuốc có cùng hoạt chất Amentryn 40% và Atrazine 40% dạng bột thấm nước.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, đây là nhóm thuốc trừ cỏ chọn lọc trên cây mía và cây dứa, có tác dụng thời kỳ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm, khả năng ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác là khoảng 5m. Thế nhưng khi người dân phun thuốc trừ cỏ thì diện tích các cây trồng khác cách xa 300 - 500m đã bị chết và hư hại nặng.
Theo thống kê, thuốc trừ cỏ đã làm cho gần 70ha cây trồng trên địa bàn Kông Chro ảnh hưởng nặng. Trong đó, diện tích lúa là 14,2ha, sắn gần 30ha, đậu xanh gần 15ha...
Ông Lê Thành Phương ở thôn 4, xã Kông Yangcho biết: “Nhà tôi trồng gần 3ha sắn và ớt. Cách đây gần một tháng, khi gia đình ông Đặng Phùng Minh phun thuốc cỏ cho mía thì toàn bộ diện tích cây trồng của tôi bị chết hoặc khô lá”. Không chỉ sắn, ớt của gia đình ông Phương mà cây trồng của hơn 300 hộ dân ở các xã: Kông Yang, An Trung, Yang Trung, Yang Nam cũng đang chịu chung số phận.
Qua tìm hiểu, hầu hết nông dân cho biết, họ đã đọc kỹ hướng dẫn và sử dụng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Chúng tôi quan sát bao bì của các loại thuốc này, tuyệt nhiên không có dòng chữ nào nói về khả năng ảnh hưởng đến những loại cây trồng khác hay khoảng cách an toàn cho diện tích cây trồng liền kề.
UBND huyện Kông Chro đã có buổi làm việc với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đại diện các công ty và nhà phân phối để tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp hỗ trợ người dân.
Related news
Chuyện người nuôi cá tra “treo ao” đã cũ, giờ người nuôi bắt đầu phải “treo miệng” cá tra - ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) than thở về tình cảnh người nuôi cá tra hiện nay.
Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục tăng, hiện đạt 486ha ở ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất 10 tấn/ha, có hộ đạt 14 - 15 tấn/ha, cho thu lãi từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Đối với nhiều nông dân ở Bắc Giang, hình ảnh những cán bộ thú y cơ sở ngày ngày đi khắp các thôn, xóm chăm sóc, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm đã trở nên quen thuộc. Công việc tuy vất vả nhưng với lòng yêu nghề, họ đã góp phần không nhỏ bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.