Thực Nghiệm Thành Công Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Ruộng Lúa Ở An Giang
Để từng bước nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, thạc sĩ Trần Văn Hận, Chủ nhiệm Khoa Thủy sản, Trường đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm giống thủy sản An Giang triển khai thực nghiệm thành công đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nâng cao năng suất và lợi nhuận” tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Đề tài có tổng kinh phí 1,041 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp Khoa học - Công nghệ tỉnh hỗ trợ và vận động, được thực hiện từ tháng 4/2012 đến 3/2013. Đề tài tập trung triển khai sản xuất thử nghiệm tại 6 hộ ngư dân nuôi tôm càng xanh ở xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) theo 2 hình thức nuôi tôm truyền thống có cải tiến 1 vụ lúa (3 tháng) + 1 vụ tôm (6 tháng), mật độ thả 15 con/m2 và mô hình mới 1 vụ lúa (3 tháng) + 1 vụ tôm toàn đực (3 tháng), mật độ thả 4 con/m2.
Trong thời gian triển khai còn tổ chức tập huấn xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa cho các hộ ngư dân trực tiếp thả nuôi và trong xã. Kết quả thực nghiệm khả quan, tôm nuôi tăng trưởng dao động từ 50,5 - 73,8 g/con, trọng lượng tôm nhỏ nhất 20 g/con, trọng lượng tôm lớn nhất 142 g/con; cho tỷ lệ tôm sống trong các ruộng nuôi dao động từ 30% - 36%, năng suất đạt từ 1,34 - 1,633 tấn/ha/vụ vượt từ 30 - 60% so dự kiến ban đầu. Với giá bán tôm xô cho thương lái 150.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được là 79,2 triệu - 135,7 triệu đồng/ha/vụ tùy mô hình và hoàn toàn phù hợp để nhân rộng ra toàn vùng.
Nghề nuôi tôm càng xanh được tỉnh An Giang triển khai từ năm 2000 với 5,5 ha tại xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) và phát triển mạnh từng năm, cao điểm năm 2007 tăng lên 680 ha với nhiều hình thức, nuôi trong ao đất, nuôi luân canh trong ruộng lúa, nuôi tôm trong mương vườn cây ăn trái và đăng quầng. Trong nhiều năm gần đây, diện tích bị thu hẹp hiện còn dưới 200 ha, do không có con giống tốt, thiếu kỹ thuật nuôi, môi trường nước chưa thích hợp thả nuôi, tôm mang mầm bệnh, năng suất thấp dưới 1 tấn/ha và thời gian thả nuôi dài 6 tháng/vụ. Trong khi đó, tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế rất cao, giá bán hiện nay tại thị trường tôm xô là 200.000 đồng/kg, tôm loại I là 350.000 đồng/kg - 400.000 đồng/kg, không đủ cung cấp cho thị trường trong nước và đang có nhu cầu xuất khẩu rất cao.
Bên cạnh thực hiện thành công mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nâng cao năng suất và lợi nhuận, từ đầu năm 2013 Trung tâm Giống Thủy sản An Giang còn tranh thủ sản xuất được con giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israen, vì vậy sẽ giúp cho ngư dân khôi phục nghề nuôi tôm càng xanh, rút ngắn 50% thời gian nuôi, tăng năng suất và lợi nhuận cao ổn định so trước đây và còn góp phần cung cấp nguyên liệu phục vụ cho chế biến mở rộng xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Related news
Cây ngô lai không chỉ thay thế dần cây sắn, đậu tương mà còn giúp nông dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Ở các huyện miền núi phía bắc, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, đất SX nông nghiệp ít nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương tiến hành đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt", đây là bước tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này
Gần một tháng trở lại đây, ở Bắc Giang, lợn hơi giảm giá mạnh, thị trường tiêu thụ thịt lợn trầm lắng. Người chăn nuôi thua lỗ mà nguyên nhân chính là do chất tạo nạc đã được phát hiện trên thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.