Prices / Mô hình kinh tế

Thủ Tướng Phê Duyệt Đề Án Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp

Thủ Tướng Phê Duyệt Đề Án Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp
Author: 
Publish date: Thursday. June 13th, 2013

Ngày 10.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008...

Đề án vừa được phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5-4%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Một trong những định hướng chung mà đề án xác định là phát triển nông nghiệp hướng tới thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng.

Trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn

Về tái cơ cấu trong lĩnh vực cụ thể, đối với trồng trọt sẽ theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đề án xác định duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa; sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo...

Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân.

Phát triển chăn nuôi tập trung

Về chăn nuôi, đề án nêu rõ: Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Chuyển hướng đánh bắt xa bờ, viễn dương

Về thủy sản, qua tái cơ cấu sẽ tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung Bộ.

Giảm dần, tiến tới ổn định sản lượng khai thác thủy sản gần bờ; quản lý khai thác theo kích cỡ. Cùng với đó là chuyển khai thác bằng tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ, viễn dương; chuyển đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; phát triển lực lượng kiểm ngư trên biển. Đề án vừa được phê duyệt (có hiệu lực từ ngày ký) cũng đề cập việc tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp; sản xuất muối; phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.


Related news

Tiềm Năng Phát Triển Cá Nước Lạnh Ở Kon Tum Tiềm Năng Phát Triển Cá Nước Lạnh Ở Kon Tum

“Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên” là cách nói ví von của dân du lịch khi đến nghỉ ngơi, vui chơi giải trí tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), bởi nơi đây có đặc điểm địa lý, khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng... gần như ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Thursday. June 13th, 2013
Trồng Cỏ Nuôi Bò Cho Thu Nhập Cao Trồng Cỏ Nuôi Bò Cho Thu Nhập Cao

Nông dân xã Mỹ Đức (Châu Phú - An Giang) phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò mang lại lợi nhuận khá cao. Bà Huỳnh Thị Phụng khoe: “Tôi trồng được 4 công cỏ voi. Từ nguồn cỏ này, hằng ngày gia đình nuôi vỗ béo 5 con bò thịt. Vừa rồi, bán cặp bò thịt với giá 40 triệu đồng, lời gần 20 triệu đồng”.

Thursday. June 13th, 2013
Triển Vọng Nuôi Thương Phẩm Và Sản Xuất Giống Cá Lóc, Cá Rô Đầu Vuông Ở Thanh Hóa Triển Vọng Nuôi Thương Phẩm Và Sản Xuất Giống Cá Lóc, Cá Rô Đầu Vuông Ở Thanh Hóa

Cá lóc (cá chuối/cá quả) và cá rô đầu vuông là hai loài cá tự nhiên, thịt thơm ngon được nhiều người ưa thích. Do môi trường sống ngày càng thu hẹp và bị khai thác quá mức khiến cho hai loài này ở ngoài tự nhiên càng trở nên khan hiếm, nhiều nơi có nguy cơ cạn kiệt.

Thursday. June 13th, 2013