Thu 'trái ngọt' nhờ kiên trì với rau hữu cơ
Có lần đang phun chế phẩm sinh học cho rau, bà Cuối đã phải đổ nước trong bình ra uống liền một nắp để chứng minh rằng đó không phải thuốc BVTV hóa học
Hiện nay, ngoài các loại rau ăn lá ngắn ngày, rau dài ngày, HTX trồng thêm nho, ổi, bông hẹ… đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Trung Quân.
Từ những cách trồng rau ngày ở xứ người
Về thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), không ai là không biết câu chuyện về nghị lực phi thường, sự kiên trì, nhẫn nại trong sản xuất rau hữu cơ của HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (HTX Cuối Quý) do bà Đặng Thị Cuối làm giám đốc.
Sau 16 năm xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản, Đài Loan, năm 2017, vợ chồng bà Cuối quyết định về nước lập nghiệp, mang theo ước vọng về một trang trại rau hữu cơ do chính mình làm chủ.
Bà Cuối nhớ lại, khi sang nước bạn, cơ duyên đã đưa hai vợ chồng vào làm việc trong công ty chuyên sản xuất rau an toàn. Ban đầu, bà không khỏi choáng ngợp với quy mô cũng như cách thức canh tác mới lạ, mà người vốn xuất phát từ nông nghiệp như vợ chồng bà cũng chưa bao giờ được thấy.
Với bản tính cần cù, ham học hỏi, hai vợ chồng bà đã nhanh chóng bắt kịp với hình thức canh tác mới, những kỹ thuật trồng rau an toàn độc đáo, vật dụng hữu ích, sách hướng dẫn hay… đều được vợ chồng bà góp nhặt và gửi về nước “làm vốn” sau này.
“Người ta đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, còn vợ chồng tôi mỗi tháng lỉnh kỉnh gửi về 1 thùng đồ mở ra chỉ toàn bạt ni lông, dây buộc, ốc vít…”, bà Cuối vui vẻ nói.
Khi về nước, với những kiến thức và thiết bị tích cóp được, vợ chồng bà Cuối đã chặt bỏ diện tích trồng ổi không hiệu quả của gia đình, tự tay dựng nên hệ thống nhà màng trên diện tích 3 sào để trồng rau theo hướng hữu cơ.
Theo bà Cuối, khi trồng rau trong nhà màng, hoạt động sản xuất sẽ diễn ra thuận lợi hơn do không bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giảm thiểu được các tác nhân như bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng... ảnh hưởng đến chất lượng rau.
Về kỹ thuật canh tác, HTX đã thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ; phân bón hóa học; thuốc BVTV hóa học; thuốc kích thích tăng trưởng; giống biến đổi gen).
Về đất trồng, toàn bộ diện tích trong nhà màng không lên luống, sau khi thu hoạch hết một lứa rau, bà sử dụng đèn khò phun lửa đốt đất để diệt cỏ dại, các loại sâu bọ, vi khuẩn còn lại trên đất. Sau đó, đất được đánh tơi và bổ sung phân bón hữu cơ với lượng được tính toán kỹ lưỡng, vừa đủ cho thời gian sinh trưởng của lứa rau tiếp theo. Điểm đặc biệt là từ khi gieo giống, ô nhà màng sẽ được đóng cửa, chỉ tưới nước đều đặn cho đến khi thu hoạch mới mở cửa trở lại.
Hệ thống nhà màng của HTX được chính vợ chồng bà Cuối tự tay dựng nên trên diện tích 2ha. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2ha nhà màng để tăng công suất cung cấp rau. Ảnh: Trung Quân.
Để diệt các loại sâu, côn trùng phá hoại rau, HTX tuyệt đối không dùng thuốc BVTV hóa học, thay vào đó, bố trí bẫy bắt côn trùng ở 4 góc nhà màng, những diện tích bên ngoài nhà màng sẽ tiến hành bắt sâu, côn trùng bằng tay.
Nếu mật độ sâu nhiều, HTX sẽ sử dụng chế phẩm do bà Cuối tự tạo ra, bằng cách bắt chính loại sâu đó, ngâm ủ cùng men vi sinh, đường, sữa.
“Phương pháp này tôi học được ở Nhật Bản, nghe có vẻ buồn cười nhưng khi áp dụng đã cho hiệu quả rất khả quan, không những cung cấp thêm dinh dưỡng cho rau mà còn làm cho loại sâu đó khi ăn phải sẽ đau dạ, tuy không chết ngay nhưng không thể ăn tiếp, yếu dần rồi chết do chúng ăn phải thịt đồng loại”, bà Cuối cho hay.
Về giống, HTX chủ yếu sử dụng các loại giống nhập khẩu từ nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan…, một số giống mua từ những đơn vị cung cấp uy tín hàng đầu trong nước.
Về nước tưới, được tiến hành lọc kỹ lưỡng qua 3 hệ thống bể lọc, đầu tiên nước được lọc thô qua 2 bể lọc 3 lớp (cát, sỏi, than hoạt tính). Sau đó, được đưa xuống cột lọc Composite tiêu chuẩn để khử màu, khử mùi, khử các kim loại nặng như sắt, chì, thủy ngân, asen… rồi mới đưa vào bể chứa, đẩy lên hệ thống dàn phun tưới.
Về phân bón, HTX chỉ dùng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài, mặc dù giá thành cao nhưng hiệu quả bền vững cho đất. Bên cạnh đó, để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây, hàng năm HTX đã nhập hơn 1.000 bao tro bếp ngâm ủ với men vi sinh, phân gà, phân vịt… hoặc ngâm cá, đậu tương với men vi sinh để bón cho rau.
Làm đã khó, bán còn khó hơn
Kể về chặng đường gây dựng nên cơ ngơi như hiện nay, bà Cuối chia sẻ: Khi mới bắt tay vào làm, người thân, bạn bè đều khuyên ngăn, vì đã có rất nhiều mô hình được hỗ trợ kinh phí mà làm còn không ăn thua, đằng này lại là tiền mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm lăn lội của hai vợ chồng, không thành công là coi như mất trắng. Không những vậy, tạo ra sản phẩm rau an toàn đã khó, việc đi tiêu thụ lại còn khó hơn.
Nước tưới sau khi lọc thô, được đưa xuống cột lọc Composite tiêu chuẩn để khử màu, khử mùi, khử các kim loại nặng như sắt, chì, thủy ngân, asen… Ảnh: Trung Quân.
“Mang rau đi bán, người dân cầm lên lại vứt xuống, bĩu môi bảo rau này mà cũng gọi là rau hữu cơ, rau hữu cơ là phải có sâu, màu phải xấu chứ ai lại xanh mơn mởn thế này… Thế là, 4 - 5 ngày đầu mang rau đi bán, lại mang về”, bà Cuối kể.
Không nản chí, bà Cuối nảy ra sáng kiến bán không lấy tiền, để mọi người mang về ăn thử, mời họ đến vườn rau nhà mình chơi, xem cách mình làm… Dần dần, tiếng lành đồn xa, rau của HTX cũng được người dân trong vùng đón nhận.
Ngoài ra, rất nhiều lần bà phải giải thích, chứng minh cho những nghi hoặc của người dân về chất lượng rau của HTX. Thậm chí, đã có lần đang phun chế phẩm sinh học cho rau, bà đã phải đổ nước trong bình ra uống liền một nắp bình để chứng minh rằng thuốc mình sử dụng không phải thuốc BVTV hóa học trước sự dèm pha, đố kỵ của một số người quay video bôi xấu.
“Bất kỳ ai nếu không tin, tôi đều không lấy làm giận dỗi, phiền hà mà nhẫn nại giải thích, mời họ đến tận vườn xem cách thức canh tác, các kết quả giám định chất lượng từ những cơ quan quản lý, thậm chí nếu có nhu cầu học cách trồng rau, tôi đều sẵn sàng chia sẻ để họ hiểu”, bà Cuối cho hay.
Thu quả ngọt...
Bằng nỗ lực của mình, sau 3 năm kiên trì, thương hiệu rau hữu cơ Cuối Quý đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ 3 sào trồng rau ban đầu, HTX đã mở rộng diện tích canh tác lên 5ha, trong đó có 2ha là hệ thống nhà màng, với đa dạng các loại rau ăn lá ngắn ngày, rau dài ngày, nho, ổi, bông hẹ…
Tháng 3/2020, HTX được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN-PTNT Hà Nội) cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, mô hình trồng rau hữu cơ của HTX được đánh giá là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc…
Hiện, HTX đang cung cấp rau cho 16 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng, nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn như Bác Tôm, Tomato, Đất Việt… Bên cạnh đó, nhiều đầu mối tiêu thụ rau ở các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng tìm đến HTX đặt hàng, khiến rau của HTX luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Ngoài ra, HTX cũng nhận thi công lắp đặt hệ thống nhà màng, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều HTX, hộ dân trong vùng và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
HTX cũng không ngần ngại chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất rau hữu cơ cho người dân trong vùng cũng như bất kể ai muốn học hỏi.
“Ai tìm đến học về cách làm rau hữu cơ tôi đều tận tình chỉ bảo kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm. Chẳng nghĩ gì đến việc họ làm được sẽ cạnh tranh với mình, vì nhu cầu của thị trường về rau hữu cơ còn rất lớn, chỉ lo không đủ sức mà làm”, bà Cuối vui vẻ nói.
Nói về dự định trong thời gian tới, bà Cuối cho hay: HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng thêm 2ha, để tăng lượng cung cấp rau cho thị trường. Đồng thời nghiên cứu xây dựng mô hình nông trại kết hợp hoạt động tham quan, trải nghiệm cho các gia đình, trường mầm non, học sinh, sinh viên…
Related news
Cá heo đuôi đỏ là loài thủy sản nước ngọt với vẻ ngoài bắt mắt, mình cá xanh bóng, đuôi và vây đỏ cam, miệng có 2 ngạnh như heo rừng và thịt thì thơm ngon, béo
Cá mú là thực phẩm có dinh dưỡng cao, thịt thơm, dai, ngon nên được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn.
Giá cá chạch lấu thương phẩm đang được thương lái mua khoảng 300.000 đồng/kg, anh Trần Thanh Hùng (tỉnh Tiền Giang) đã trở thành tỉ phú với cá chạch lấu - giống