Thu tiền tỷ nhờ nuôi cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn
Mỗi năm, người nông dân nuôi 2 lứa cá hồi thu được 2.000 con, mỗi con nặng từ 1,5-2kg và bán ra với giá với giá 400.000 đồng một kg.
Trại cá của anh Triệu Văn Trình.
Ông Hoàng Văn Tạ, 53 tuổi ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là người đầu tiên đưa cá hồi từ Sa Pa (Lào Cai) về nuôi, bỏ qua rủi ro có thể mất cả vốn lẫn lời. Để đưa cá hồi giống từ Sa Pa về Mẫu Sơn, ông Tạ phải vận chuyển một chặng đường dài hơn 700km và thiết kế bể nuôi hợp lý.
Dù đã từng ở Sa Pa 7 tháng để học hỏi cách thức chăm sóc cá hồi nhưng trong quá trình nuôi ông Tạ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mùa bão lũ. Ông cho biết: "Mùa mưa tôi phải thức cả đêm để quan sát dòng nước, bởi sau 30 phút không có nước chảy vào cá sẽ chế vì thiếu oxy".
Trước đây, mỗi năm ông Tạ chỉ nuôi một lứa cá hồi. Khi đã nắm được kỹ thuật ấp và nuôi cá con, ông thả nuôi hai lần vào tháng 3 và tháng 10 trong năm. Sau một năm cá thương phẩm đạt từ 1,5-2kg một con.
Hiện tại, ông Tạ có 6 bể cá hồi, mỗi năm cho 2.000 con cá giống và cá thương phẩm. Lượng cá thương phẩm đủ để cung cấp cho các nhà hàng ở Lạng Sơn và Hà Nội, mỗi năm đạt doanh thu được gần 6 tỷ đồng. Ngoài nuôi cá hồi, ông Tạ còn kinh doanh nhà hàng trên đỉnh Mẫu Sơn, mỗi ngày bán được khoảng 40kg cá hồi. Vợ ông, bà Hoàng Thị Phượng cho biết: "Du khách đến đỉnh Mẫu Sơn rất chuộng món cá hồi của nhà hàng, bởi cá vừa vớt lên được chế biến luôn nên thịt rất tươi ngon".
Ngay gần nhà ông Hoàng Văn Tạ, chàng thanh niên người Dao - Triệu Văn Trình cũng giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi cá hồi. Anh Trình đã dành 4 năm để đến một số cơ sở quan sát, ghi chép kinh nghiệm, cách nuôi và trực tiếp theo dõi quá trình chăm sóc cá, các kỹ thuật nhân giống đặc biệt của ông Tạ.
Thu tiền tỷ nhờ nuôi cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn
Khi tự tin nắm được quy trình nuôi cá hồi, anh Trình chọn xây 5 bể ở khu vực thôn Khuổi Cấp, cách đỉnh Mẫu Sơn khoảng 5km, nơi có nguồn nước từ khe suối tự nhiên chảy quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá hồi. Anh Trình đặt mua 1.000 con giống từ Sa Pa với giá 80 triệu đồng.
Bước đầu, gia đình anh vay mượn ngân hàng và người thân gần 400 triệu để xây dựng bể, kéo điện thắp sáng, xây nhà trông cá, mua máy bơm nước, thức ăn chăn nuôi cá... Cá hồi sau một năm tuổi nặng hơn 1,5 kg, anh Trình bán với giá 400.000 đồng một kg cho các nhà hàng tại Lạng Sơn và du khách tham quan trên khu du lịch Mẫu Sơn. Vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, khách lên khu du lịch đông, có lúc số lượng cá không đủ cung cấp cho nhu cầu của nhà hàng. Anh nhẩm tính, trừ tất cả chi phí, số lãi thu về gần 150 triệu mỗi lần bán cá. Với người dân ở một xã vùng cao, đây số tiền rất lớn, là động lực giúp anh tiếp tục gắn bó cùng cá hồi.
Thấy lợi ích của việc nuôi cá hồi đã có thêm nhiều hộ dân người thiểu số vùng cao xin hiến đất để nuôi cá hồi. Song ông Hoàng Văn Tạ vẫn trăn trở rằng cái khó hiện nay là cá giống khá cao, bà con Mẫu Sơn đại đa số là hộ nghèo, không có vốn. "Nếu như có sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng thì tiềm năng, thế mạnh này sẽ được phát triển tốt. Loài cá hồi sẽ phá thế độc canh nuôi gia súc trên vùng núi đá vùng cao này", ông Tạ khẳng định.
Related news
Nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, bồ câu Pháp giống, anh Trịnh Văn Trường, đoàn viên thanh niên thôn Bồn Thôn, xã Trung An (Vũ Thư) thu lãi hơn 150 triệu đồng
Nhờ tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, Nguyễn Mạnh Linh đã thành công với mô hình chăn nuôi dê sạch và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với hơn 2 mẫu đất, mùa hè sen nở ông Hậu hái bông và đài đem bán, mùa sen lụi thì thả lưới thu hoạch cá, thu hơn 100 triệu.