Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Trồng Hoa Súng
Trồng hoa súng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của miền Trung. Nắm bắt được điều này, 2 lão nông Ông Văn Trinh và Phan Ngọc Thành, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư và đã thu tiền triệu mỗi ngày.
Ông Văn Trinh, phường Hòa Thọ Tây, là một trong những người tiên phong của nghề trồng hoa súng tại Đà Nẵng.
Ông Trinh cho biết, bình quân khoảng 25 ngày là kết thúc một đợt trồng, khách ở Đà Nẵng và các tỉnh xa phía bắc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn… lại tìm ông để lấy hàng hoặc từ các mối đã đặt, ông xuất sang Thái Lan, Trung Quốc.
Giá một chậu hoa súng tại thị trường trong nước dao động từ 30 - 40 nghìn đồng nhưng xuất bán ra nước ngoài có giá khoảng 60 nghìn đồng/chậu. Sở dĩ có sự chênh giá như vậy, theo ông Trinh, thị trường nước ngoài rất khó tính, yêu cầu phải trồng hoa súng với phân thủy sinh và cát. Do vậy, công trồng và chăm sóc nhiều hơn nên giá cũng cao hơn. Đặc biệt, thời điểm Tết, mỗi chậu hoa súng có giá gấp đôi giá ngày thường, xe đến lấy hàng nườm nượp vẫn không đủ bán.
Ông Trinh nói, trồng và chăm sóc hoa thì đơn giản nhưng nhân giống loài hoa này mới khó. Sau một vài lần thất bại, cuối cùng tôi cũng tìm ra cách nhân giống, cách làm hoa đẹp hơn, chống lại với sâu và thời tiết.
Ngoài ông Trinh, ở quận Cẩm Lệ, còn có những nông khác thành công không kém như ông Phan Ngọc Thành. Ông Thành nói, khi đất ruộng bị thu hồi do giải tỏa và thấy hàng xóm là ông Trinh “phất” lên nhờ cây súng nên quyết định đầu tư trồng thử.
Với diện tích trên 2 nghìn mét vuông, đến nay ông Trinh đã xây nhiều hồ và trồng toàn hoa súng. Doanh thu mỗi ngày của ông luôn bình ổn ở mức 1 - 2 triệu đồng hoặc 12 - 15 triệu đồng/ đợt (25 ngày).
“Kiếm được tiền trong không gian an nhàn, thanh tịnh của cỏ cây cũng là một niềm an ủi đối với nhưng nông dân như chúng tôi. Thực ra, đây là nghề không quá tốn kém về đầu tư ban đầu cũng như đầu tư thời gian chăm sóc. Chỉ cần 5 triệu đồng đầu tư xây hồ còn phân bón, thức ăn thì rất rẻ, làm “rốt” 3 ngày là hết việc và chỉ chờ ngày thu hoạch”, ông Trinh nói. Cũng chính vì vậy, nhiều hộ trong phường đã được ông hướng dẫn cách trồng, tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.
Còn với ông Thành, hiện mỗi ngày ông cho xuất 50 - 80 chậu hoa súng và gần 20 chậu hoa sen được ông tự nghiên cứu và trồng thêm trong 1 năm nay. Với giá mỗi chậu hoa súng là 35 ngàn đồng/chậu, sen là 50 ngàn đồng/chậu, mỗi ngày ông thu vài triệu đồng.
Ông Thành cũng không hề giấu nghề khi ai đó muốn đến học học cách chăm sóc, nhân giống hoa súng. Hôm đến thăm vườn, chúng tôi được chứng kiến anh đang truyền đạt cho 4 nông dân của phường.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa súng, ông Thành nói, trồng hoa súng không quá khó. Sau khi gieo hạt giống (lấy từ cây bố mẹ) vào các chậu có sẵn bùn non để nơi đầy đủ ánh sáng, khoảng 5 ngày sau, đưa chậu sang hồ khác để dễ chăm sóc. Phân bón cho hoa súng là bánh dầu (xác đậu lạc).
Ông Thành cho biết thêm loại hoa súng này ra hoa liên tục, rất lâu tàn. Hoa màu trắng nở vào ban đêm, hoa tím và vàng nở vào ban ngày. Hương hoa rấtthơm, đặc biệt có bông trổ rất nhiều cánh.
Sự nhiệt tình của ông Thành đã được nhiều người biết và tìm đến học hỏi, trong đó có nhiều nông dân đến từ các tỉnh lân cận, thậm chí là Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang.
Related news
Với lợi thế có vùng đất bãi trù phú ven sông Đáy, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để nhân rộng những mô hình này, huyện cần có quy hoạch sản xuất cụ thể, trọng tâm hơn.
Xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là vùng đất bị nhiễm phèn nặng. Ngoài cây sen, khó có loài cây khác cho hiệu quả trên vùng đất này. Vì thế, cây sen được xem như cứu cánh giúp thay đổi cuộc sống của người dân. Do nặng lòng với sen, nhiều bà con có kinh nghiệm trồng sen với suy nghĩ linh hoạt đã có hướng chuyển đổi phù hợp, trở nên khá giả từ cây sen…
Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.