Thử Nghiệm Thành Công Nhiều Giống Cá Mới
Hàng năm, diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh liên tục tăng. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh trong việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu về giống cho sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản.
Để giúp người dân có kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có kỹ năng kiểm tra chất lượng con giống, kiểm soát môi trường và phòng trừ dịch bệnh, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động khoa học mang lại hiệu quả cao như: Nghiên cứu, ứng dụng nuôi cá thát lát cườm; nuôi cá rô đầu vuông; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục…
Cùng với đó, Trung tâm đã xây dựng 4 mô hình ương giống thuỷ sản nước ngọt tại thị xã Quảng Yên; 16 mô hình nuôi thương phẩm cá nước ngọt, cá rô đồng, nuôi rươi kết hợp với cáy đồng tại một số hộ dân sống ven sông Cầm (Đông Triều); 3 mô hình nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn… Đến nay, các mô hình, dự án này đã được triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Để hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho 400 lượt người về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ, hải sản, quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh; tổ chức 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn cho 90 lượt lao động.
Để cơ cấu đàn giống đa dạng, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, ngay từ đầu năm nay, các trại sản xuất của Trung tâm đã tập trung tuyển chọn, nuôi vỗ đàn cá hậu bị, cá bố mẹ, cải tạo vệ sinh ao hồ, chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất giống. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã sản xuất được trên 85 triệu con giống các loại cung ứng cho người nuôi thuỷ sản trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các loại giống cá nước ngọt chủ yếu tại Trung tâm như: Cá chép lai, cá mè, cá trê, rô phi đơn tính, ngoài ra Trung tâm còn phối hợp với chuyên gia Đài Loan sản xuất giống cá rô phi đơn tính bằng phương pháp lai xa với sản lượng 50-60 triệu con/năm.
Cá rô phi lai xa có tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi 6-7 tháng có thể đạt trọng lượng 0,6-0,7kg/con. Cùng với đó, gần đây, Trung tâm đã phối hợp với chuyên gia nước ngoài tuyển chọn, sản xuất thành công giống cá rô phi Cát Phú; đưa vào nuôi thành công giống cá đối mục, cá chép tam bội. Đây là những giống cá mới, có nhiều ưu điểm. Cá rô phi Cát Phú có tốc độ phát triển nhanh, vượt trội so với giống cá rô phi thường, có thể rút ngắn thời gian nuôi từ 6 tháng xuống 4 tháng, trọng lượng trung bình đạt 0,5-0,6kg/con. Cá rô phi Cát Phú có đầu nhỏ, mình dày, tỷ lệ thịt lớn, có khả năng chịu lạnh tốt và có thể nuôi qua mùa đông.
Đây là đối tượng thích hợp để phát triển sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu. Cá đối mục sinh trưởng tốt ở môi trường nước lợ, mặn và chịu được nhiệt độ từ 3-35 độ C; là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của Quảng Ninh. Giống cá này có kích thước lớn, thịt ngon. Do chịu được nhiệt độ thấp nên có khả năng nuôi qua mùa đông, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Có thể nói, từ thành công bước đầu của mô hình sản xuất giống cá đối mục, Trung tâm đã góp phần làm cho “danh mục” giống nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Ninh phong phú hơn, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân ở các vùng ven biển.
Đặc biệt, hiện nay Trung tâm đang triển khai thực hiện mô hình cá chép tam bội bằng việc cho lai giữa cá chép cái Nhật Bản tứ bội với cá chép đực vàng lưỡng bội. Cá chép tam bội có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cá chép lai từ 30-50%. Cá giống với kích cỡ 6cm (100-150 con/kg), sau 6 tháng nuôi có thể đạt từ 1-1,5kg/con. Cá có sức đề kháng cao, khả năng kháng bệnh tốt; chịu rét tốt ở nhiệt độ từ 5-10oC; khả năng thích ứng rộng... Đây là một trong những giống cá có triển vọng tốt cho nghề nuôi nước ngọt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản cho hay: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất giống, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo tập huấn; đẩy mạnh sản xuất con giống chất lượng cao, đa dạng thành phần giống, mở rộng thị trường tiêu thụ... Trung tâm tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, hoàn thiện dự án cải tạo, sửa chữa hệ thống ao ương giống, sản xuất giống thực nghiệm giống thuỷ sản nước ngọt tại Đông Mai (Quảng Yên); phấn đấu sản lượng giống sản xuất hết năm nay đạt trên 100 triệu con giống”.
Related news
Từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch) là vào mùa thu hoạch đu đủ ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Những ngày này, nông dân trong xã tấp nập thu hái đu đủ và đưa sản phẩm đến bán ở các điểm thu mua của thương lái dọc theo quốc lộ 1A trên địa bàn xã.
Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo khởi động dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau.
Heo, gà, vịt, cá tra… kéo nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL rơi vào cảnh lao đao. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, do đó “cứu” ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra.