Prices / Tin thủy sản

Thu hồi vốn nhanh nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt

Thu hồi vốn nhanh nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt
Author: Mai Phương
Publish date: Saturday. November 25th, 2017

Ông Thinh cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất thông thường, nhưng đổi lại tôm ít bị bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh sau một, hai vụ.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp vùng ven biển Hòn Đất. Ảnh: Lê Sen - TTXVN 

Đi dọc tuyến đê quốc phòng ven biển xã Bình Giang và Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nghe tiếng máy phát ra từ các ao nuôi tôm, ít ai nghĩ rằng, hiện đã hình thành nên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. 

Nhiều năm cứ loay hoay nuôi tôm, cua theo hình thức quảng canh nhưng không hiệu quả, có thời điểm, anh Tôn Lý Tưởng (ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất) phải ra thành phố Rạch Giá để thuê quán bán cà phê.

Nhiều đêm suy nghĩ không muốn bỏ đất trống, việc buôn bán cũng gặp khó khăn, nên anh bàn với gia đình nuôi tôm công nghiệp. Vay mượn được gần 100 triệu đồng, anh Tưởng thuê máy vào cuốc 13.000m2 thành 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng; mua máy bơm, bạt che bờ… 

Suốt cả vài tháng, anh Tưởng đêm nào cũng ra xem tôm lớn thế nào, có sống được không… "Nếu thất bại nữa thì nợ nần lấy tiền đâu trả”, anh Tưởng nhớ lại. Thế nhưng, “đất không phụ lòng người”, sau 3 tháng thả nuôi, với 2 ao tôm cho anh Tưởng thu về trên 3 tấn tôm và sau khi trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. 

Theo anh Tôn Lý Tưởng, do ao nuôi tôm nằm gần với bờ biển, nếu gặp triều cường hay sóng lớn làm vỡ đê thì bao công sức, tiền của cuốn trôi ra biển. Vì vậy, mỗi năm 2 lần, anh phải thuê máy cuốc gia cố nâng cao nền. Bên cạnh đó, gia cố thêm cây tràm ngoài đê, bên trong trồng thêm cây mắm, cây đước để bảo vệ đê biển. 

Có nhiều năm kinh nghiệm trồng lúa, trồng táo và nuôi cá nhưng theo ông Nguyễn Văn Thinh, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, mô hình nuôi trồng này hiệu quả kinh tế thu được không cao. Do đó, ông Thinh đã tìm hiểu và áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Thinh cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất thông thường, nhưng đổi lại tôm ít bị bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh sau một, hai vụ. 

Với 3 ao cá diện tích gần 1 ha mặt nước, ông Thinh đã cải tạo lót bạt và trang bị phương tiện máy bơm nước… với hơn 100 triệu đồng kinh phí để cải tạo.

Mỗi vụ thả nuôi có thể thu hoạch sau khoảng 3 tháng. Sản lượng đạt được khoảng hơn 3 tấn tôm/ha. Với giá bán từ 120.000 - 130.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí, ông Thinh thu lãi ngay vụ đầu trên 150 triệu đồng. 

“Sau khi học hỏi, nghiên cứu cách thả nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi về đầu tư nuôi. Lúc đầu cũng còn lo ngại, một số người thân trong gia đình can ngăn, nhưng tôi quyết tâm thực hiện. Ngay vụ đầu tiên, mỗi ao 3.000m2 cho thu lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Như vậy là đã hoàn vốn đầu tư ban đầu”, ông Thinh bộc bạch. 

Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất thông thường, nhưng đổi lại có thể thu hồi vốn nhanh sau một, hai vụ. Ảnh: Lê Sen - TTXVN 

Ông Lê Văn Tiễn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, hiện nay trên địa bàn ven biển của xã có 133 ha quy hoạch nuôi tôm, đến nay mới có 49 ha được thả nuôi. Bởi vì đây chỉ là định hướng quy hoạch của xã Bình Giang vì thấy hiệu quả kinh tế của nó và lợi ích của việc bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển. 

Vì vậy, xã Bình Giang đang kiến nghị về huyện Hòn Đất cho chuyển đổi mục đích từ nuôi sò, nuôi ba khía, nuôi tôm dưới tán rừng phòng hộ sang nuôi tôm công nghiệp để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ được diện tích rừng, chống sạt lở đê biển. 

Có thể nói, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ven biển huyện Hòn Đất đã mở ra hướng đi mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con góp phần phát triển kinh tế, xóa nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế bền vững và góp phần giữ được rừng, chống đê biển bị sóng đánh sạt lở.


Related news

Nỗ lực xây dựng hình ảnh thủy sản Việt Nam Nỗ lực xây dựng hình ảnh thủy sản Việt Nam

Việc EU rút “thẻ vàng” với thủy sản khai thác từ Việt Nam cũng là cơ hội để đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại hoạt động sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý

Saturday. November 25th, 2017
Chất lượng vàng thủy sản: Tôn vinh những tấm gương đẹp Chất lượng vàng thủy sản: Tôn vinh những tấm gương đẹp

Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” đã đi qua một chặng đường dài; với 300 cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực thủy sản

Saturday. November 25th, 2017
Một số loài tảo độc trong ao và giải pháp phòng trừ Một số loài tảo độc trong ao và giải pháp phòng trừ

Tảo độc là các loại tảo gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật thủy sản như: tảo lam, tảo giáp, tảo mắt. Làm tôm mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh

Saturday. November 25th, 2017