Prices / Tin thủy sản

Thông thoáng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Thông thoáng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Author: Nguyễn Anh
Publish date: Thursday. June 15th, 2017

Thủ tục hành chính luôn là vấn đề khiến các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng bức xúc. Để thúc đẩy phát triển, vài năm gần đây các ban ngành và địa phương đã nỗ lực cải cách, cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà vô lý, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Thủy sản gặp nhiều “rào cản” thủ tục trong lẫn ngoài nước       Ảnh: An Đăng

Quá nhiều

Ít có ngành sản xuất kinh doanh nào lại chịu nhiều “rào cản” về thủ tục như ngành thủy sản, trong đó một sản phẩm như con tôm hay cá tra, phải chịu sự giám sát của rất nhiều bộ ngành, từ trong nước đến quốc tế.

Ngày 13/6/2016, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, cắt giảm thêm 30 thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, sửa đổi bổ sung 60 TTHC đồng thời cũng đề xuất bãi bỏ 11 thủ tục con phát sinh do quá trình chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu, điều kiện, điều kiện kinh doanh của chuỗi TTHC liên quan đến xuất khẩu thủy sản mà chưa được Bộ NN&PTNT thống kê.

Bản thân Bộ NN&PTNT đã rà soát đề xuất bãi bỏ 13 TTHC, đơn giản hóa 54 TTHC trong 105 TTHC liên quan đến xuất khẩu thủy sản nhưng Bộ Tư pháp vẫn đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, cắt giảm thêm 30 TTHC, đơn giản hóa 60 TTHC. Kết quả nghiên cứu khảo sát của các chức năng Bộ cho thấy trong tổng số 105 TTHC được rà soát, thì có tới 67 TTHC nên được đơn giản hóa!

Chỉ trong vòng 2 năm (2015 - 2016), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi hơn 5 văn bản và nhiều buổi làm việc với đại diện Bộ Y tế về những vướng mắc này đối với các sản phẩm sản xuất để tiêu dùng tại thị trường nội địa. Mới đây là văn bản kiến nghị với Chính phủ về việc cần đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về an toàn thực phẩm.

Cần cắt giảm

Ngày 7/4/2017, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 1024/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa “Nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai  thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến sản xuất”.

Theo đó, đưa ra phương án hủy bỏ 14 TTHC và đơn giản hóa một số TTHC liên quan đến hoạt động xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến sản xuất. Trong đó, đưa ra các phương án như: Cấp phép nhập khẩu thủy sản để khảo nghiệm; Cấp phép nhập khẩu thức ăn thủy sản để khảo nghiệm; Miễn, giảm kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu có thời hạn; Khai báo và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản nhập khẩu nguyên liệu gia công chế biến xuất khẩu… Mặt khác, Bộ này cũng chủ trương bãi bỏ các TTHC “giấy phép con”; bãi bỏ hoặc gộp các bước không cần thiết trong quy trình thực hiện đối với một số thủ tục thẩm tra hồ sơ.

Tiếp tục tháo gỡ

Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP, ngày 6/2/2017 của Chính phủ yêu cầu các Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, NN&PTNT và các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các TTHC không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về TTHC đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm.

Theo phản ánh, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hiện đang phải làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại 2 cơ quan, nếu thức ăn cho cá, tôm thì đăng ký với Tổng cục Thủy sản, thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Chăn nuôi. Điều này gây trở ngại và làm mất thời gian của doanh nghiệp. Mặt khác, việc cấp phép lưu hành sản phẩm thuộc lĩnh vực cải tạo môi trường, vi sinh, thú ý còn mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất, khi đưa ra thị trường thì sản phẩm đó đã không còn phù hợp nữa…

Không chỉ vậy, thủ tục cấp phép rất nhiều và tốn kém, mất thời gian, gây ức chế cho các doanh nghiệp. Chủ một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiệu quả việc thẩm định cấp phép hiện nay rất thấp, do đa số cách làm là các doanh nghiệp tự chọn mẫu gửi đi nhờ xét nghiệm, kiểm tra thẩm định để cấp phép. Do vậy, chỉ mất thời gian chờ đợi, còn việc cấp phép hầu gần là như 100%, vì mẫu do doanh nghiệp chọn đem đi đều tốt cả. Cách làm này khác hẳn với nước ngoài, đó là việc kiểm tra mẫu để cấp phép phải hoàn toàn ngẫu nhiên, mang tính xác suất và được cơ quan chức năng tiến hành độc lập rồi mới thông báo kết quả với doanh nghiệp”. 

>> Ngành thủy sản Việt Nam đã chuyển dần sang cơ chế thị trường và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; các sản phẩm cũng đã và đang được thị trường thế giới kiểm định với những quy chuẩn quốc tế. Bởi vậy, việc đơn giản hóa thủ tục và tập trung vào các thủ tục có tính chất quốc tế, giúp người dân và doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu cần được ưu tiên hàng đầu.


Related news

Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng ấn tượng Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng ấn tượng

Từ đầu năm đến nay, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của XK thủy sản.

Thursday. June 15th, 2017
Kiên Giang phát triển nghề nuôi biển công nghệ Na Uy Kiên Giang phát triển nghề nuôi biển công nghệ Na Uy

Nuôi thử nghiệm cá lồng bè trên biển bằng công nghệ nhập từ Vương quốc Na Uy (châu Âu), mở ra hướng phát triển nghề nuôi biển quy mô lớn tại địa phương

Thursday. June 15th, 2017
Thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hệ thống đa chu kỳ (2 giai đoạn) Thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hệ thống đa chu kỳ (2 giai đoạn)

Đây là Đề tài do Trường cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản (tại Bắc Ninh) thực hiện nhằm đa dạng hóa đối tượng cũng như cung cấp cho người nuôi mô hình tốt

Thursday. June 15th, 2017