Ngày 17-4, tại Đồng Nai đã diễn ra Hội thảo khoa học “sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn”.
Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có tổng số đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con đang nuôi tại 1.261 trang trại, trung bình mỗi ngày có 4.000 con heo được xuất bán. Sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh, từ 56.000 đồng/kg giảm còn 42.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của địa phương. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do giá heo giảm trong thời gian qua ước tính hơn 500 tỷ đồng.
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đồng Nai, cho biết, hiện người tiêu dùng đang rất lo lắng trước tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại khi phải bỏ tiền để mua sản phẩm kém chất lượng (thịt heo có sử dụng chất cấm). Do đó, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi chân chính.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và xác định có 33 mẫu dương tính (có sử dụng chất cấm) của 12 hộ chăn nuôi tập trung tại huyện Thống Nhất và Trảng Bom.
* Ngày 17- 4, tại cuộc họp với Ban Quản lý (BQL) Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8) về việc phát hiện chất cấm trong cá điêu hồng, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thủy sản đưa về chợ và chọn nhà cung cấp nguồn thủy sản có uy tín.
Trước đó, 2 mẫu cá điêu hồng lấy ngẫu nhiên tại chợ Bình Điền phát hiện nhiễm Trifluralin (chất cấm từ năm 2010) có nguồn gốc từ Đồng Tháp và Tiền Giang.