Thêm Một Vụ Cà Phê Thất Bát
Niên vụ trước, bước vào đầu vụ thu hoạch, giá cà phê là 42.000 đồng/kg. Song năm nay, giá đột ngột giảm 6.000-7.000 đồng/kg xuống còn 34.000 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Mất mùa
Tình hình thời tiết bất lợi đã làm năng suất, sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 giảm so với những năm trước đây khoảng 20-30%. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng cà phê, nếu vườn cà phê năm trước mất mùa thì niên vụ năm sau năng suất chắc chắn sẽ tăng. Tuy vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp cà phê bị mất mùa.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê của gia đình, anh Nguyễn Đình Thắng (xã Al Bá, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết: “Do thiếu nước tưới trong thời gian chăm sóc nên vườn cà phê nhà tôi năng suất không cao. Đã vậy, 2 cơn bão số 10 và 11 vừa rồi đã làm cà phê rụng rất nhiều quả”.
Không chỉ riêng gia đình anh Thắng mà hầu hết người trồng cà phê tại đây cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Công Thảo-Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năng suất cà phê không đạt so với mọi năm, thêm vào đó mưa gió kéo dài đã làm hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn xã đều bị rụng trái chín chiếm tỷ lệ 20%.
Đến các vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh (Ia Grai, Chư Prông, Chư Pah, Đak Đoa), chúng tôi đều nhận những lời than vãn từ nông dân. Anh Hà Công Tấn (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: Khi cà phê chín, hái xuống mới biết trong chùm quả có quá nhiều hạt lép. Theo ước tính, năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, thấp hơn vụ cà phê năm ngoái.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 15% so với niên vụ trước. Hiện nay, Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch cà phê mới, song lượng cà phê tồn kho còn khá lớn. Thị trường xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn và đây cũng là nguyên nhân làm giá cà phê giảm mạnh vừa qua.
Mất giá
Ngay những ngày đầu vụ thu hoạch, giá cà phê nhân xuất khẩu đột ngột giảm mạnh từ 22.000 USD/tấn xuống còn khoảng trên 15.000 USD/tấn. Giá giảm bất ngờ làm cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người trồng cà phê thấp thỏm lo âu. Cà phê rớt giá làm nhiều nông hộ “tiến thoái lưỡng nan” bán cũng không xong mà tiếp tục ghim hàng thì phập phồng lo lắng.
Bà Đặng Thu Tùng (xã Gào, TP. Pleiku) than vãn: Vừa bước vào vụ thu hoạch mà giá cà phê rớt thấp quá. Năng suất cà phê không đạt trong khi chi phí đầu tư, thuê mướn nhân công cao nên nếu bán vào thời điểm này chắc chắn sẽ lỗ.
Cà phê đã bắt đầu chín, nhưng tại nhiều vườn trong tỉnh, một số hộ nông dân vẫn chưa muốn thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Thu Trinh (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chỉ vườn cà phê hơn 2,5 ha đã chín đỏ cho biết: “Công thuê hái cà phê vụ này tăng 20.000-30.000 đồng/ngày, trong khi giá cà phê lại quá thấp. Nếu thuê nhân công thu hoạch thì chỉ vừa đủ trả tiền công. Vì thế, tôi đành tự hái được đến đâu hay đến đó chứ không dám thuê nhân công”.
Đối với các hộ nông dân trồng cà phê theo quy mô trang trại ít nhiều họ cũng tự tìm được kinh phí xoay xở trong thời điểm khó khăn này nhưng với nông dân làm nhỏ lẻ thì ngày đêm thấp thỏm lo âu. Với khuôn mặt lo lắng, anh Nguyễn Văn Bình (làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) nói với chúng tôi: Nếu bán vào thời điểm này thì chắc chắn không có lãi nhưng vẫn phải bán chứ lấy tiền đâu mua xăng dầu, phân bón tái đầu tư.
Related news
Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.
Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.