Thêm Lợi Thế Cạnh Tranh Cho Cá Tra Xuất Khẩu
Hết năm 2012, ngành cá tra Việt Nam đạt mục tiêu 10% sản lượng cá tra xuất khẩu nhận được chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC).
Đây là điều kiện để cá tra Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh tại các thị trường tiêu thụ chính, mở ra cánh cửa vào những thị trường mới.
ASC là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, bao gồm các vấn đề về môi trường và xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh. Trong đó, trách nhiệm xã hội được đánh giá là vấn đề còn khá mới mẻ đối với đối với Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đầu năm 2013, Việt Nam có thêm 5 doanh nghiệp cá tra đạt chứng nhận thủy sản bền vững của ASC, gồm Công ty Cổ phần Docifish, Công ty Cổ phần thực phẩm Gò Đàng, Công ty Cổ phần Tô Châu, Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty Cổ phần thủy sản NTSF.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 13 doanh nghiệp được cấp chứng nhận ASC. Trước đó, có 8 doanh nghiệp thủy sản được các tổ chức Control Union Peru SAC và Institute for Marketecology trao chứng nhận từ cuối năm 2012. Trong số 13 trại nuôi cá tra đạt chứng nhận, có 5 trại ở Đồng Tháp, 4 trại ở Tiền Giang, 2 trại ở An Giang và 2 trại ở Cần Thơ.
Cũng theo VASEP, hiện Việt Nam còn có 5 trại nuôi cá tra đang trong quá trình thẩm định để được chứng nhận ASC, gồm vùng nuôi Tân Thuận Đông của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, trại nuôi cá vùng Thanh Bình của Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long, trang trại Cồn Bần của Công ty Cổ phần Hùng Vương, trang trại số 1 – Mỹ Hòa Hưng của Công ty Cổ phần Nam Việt và trang trại Cồn Linh của Công ty Cổ phần Gò Đàng. Dự kiến, quá trình thẩm định sẽ kết thúc vào tháng 2/2013.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết: “Tuân thủ tiêu chuẩn ASC không những tốt cho môi trường mà còn lợi cho doanh nghiệp, bởi ASC mở ra cánh cửa dẫn đến những thị trường mới tại châu Âu và Mỹ. Với những sản phẩm được dán nhãn ASC, chúng tôi có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo với khách hàng rằng họ đang mua một sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP khẳng định: “Các công ty đi tiên phong về chứng nhận của ASC đang tạo ra một kiểu mẫu cho toàn ngành. Sự phản hồi tích cực của thị trường sẽ đưa đến sự thay đổi sâu rộng sang phương thức nuôi trồng có trách nhiệm hơn. Sản xuất và nuôi trồng có trách nhiệm sẽ góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất cá tra tại Việt Nam, đảm bảo thu nhập và công ăn việc làm lâu dài”.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, năm 2015, 50% sản lượng cá tra xuất khẩu đạt được chứng nhận này.
Related news
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tuần rồi, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL đã giảm từ mức 5.650–5.750 đ/kg của tuần trước xuống còn 5.250-5.400 đkg (giảm 350-400 đ/kg), lúa khô chất lượng cao cũng từ mức 5.800–5.900 đ/kg giảm xuống còn 5.450–5.600 đ/kg (giảm 300-350 đ/kg). Gạo hàng hóa cũng giảm mạnh.
Nghề nuôi heo rừng thương phẩm đang phát triển ở Đăk Lăk. Nhưng do hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, nên thịt heo rừng giả được bán nhiều, ngành chức năng khó kiểm soát.
Trong khi các hộ nuôi tôm sú ở vùng ngập mặn, ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) phải đối mặt với tình trạng tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết trên diện rộng, thì tôm của Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng tại xã Hiệp Mỹ Đông và Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) vẫn phát triển tốt.