Giá / Mô hình kinh tế

Thẻ Chân Trắng Chiếm “Thế Thượng Phong”

Thẻ Chân Trắng Chiếm “Thế Thượng Phong”
Tác giả: 
Ngày đăng: 05/08/2013

Theo kế hoạch, năm 2013, Cà Mau sẽ phấn đấu đạt 6.000 ha tôm nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù đã sắp hết vụ nuôi nhưng diện tích nuôi mới chỉ đạt hơn 5.000 ha. Đã vậy, nuôi tôm công nghiệp đang mất dần vị thế của con tôm sú vì lý do dịch bệnh, rủi ro cao.

Theo đó, người nuôi tôm đang chuyển sang đối tượng nuôi mới: thẻ chân trắng. Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi đối tượng này đã và đang được liệt vào danh mục loài ngoại lai, có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Một lần nữa, người nuôi tôm Cà Mau đối diện với thách thức mới.

Tôm sú tuy là mặt hàng có giá trị kinh tế cao nhưng nuôi tôm sú ngày càng gặp khó khăn, nhất là một vài năm trở lại đây, nên nhiều người dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đang tăng dần từng ngày.

Từ khi bắt đầu nuôi tôm, các chuyên gia ngành thuỷ sản khuyến cáo, quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng thì phải nuôi riêng biệt với tôm sú, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, nguồn nước khép kín, tuyệt đối không để lẫn lộn giữa nguồn nước nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Vì con tôm thẻ chân trắng mang nhiều mầm bệnh khó phòng trừ.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Đầm Dơi vốn được xem là vùng đất của tôm sú công nghiệp, nhưng theo báo cáo của Phòng NN&PTNT Đầm Dơi thì có khoảng 70% hộ dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong những đầm nuôi tôm sú công nghiệp trước đây.

Anh Nguyễn Bùi Nhã, cán bộ thuỷ sản Phòng NN&PTNT, cho hay: “Việc nhiều hộ nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ là xu hướng tất yếu, bởi nuôi tôm sú gần đây rủi ro cao quá. Hơn nữa, thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, chỉ từ 50-60 ngày nuôi là có thể thu hoạch, với giá khoảng 100.000 đồng loại 85-90 con/kg là người nuôi có lãi”.

Nhìn vấn đề với quan điểm thận trọng hơn, ông Hai Tới (Trần Văn Của), một cựu chiến binh nuôi tôm sú rất giỏi ở Nhị Nguyệt, Đầm Dơi, cho rằng, nuôi thẻ chân trắng đòi hỏi phải có sự đầu tư cao hơn về thiết bị, dụng cụ, hạ tầng với vốn lớn.

Thậm chí nuôi tôm thẻ chân trắng của ta sẽ khó cạnh tranh được với Thái Lan và Trung Quốc, vì đây là những nước đi trước, có công nghệ, kỹ thuật cao. Với lại, vật nuôi nào cũng vậy, mới đầu thì thấy hiệu quả, lâu dần sẽ nhiễm bệnh (với con tôm sú cũng vậy). Chính vì thế, phải tính toán làm sao để cân đối giữa cung và cầu, chứ nếu không sẽ rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” như với con tôm sú vừa qua”.

Thẻ chân trắng sẽ “lấn” tôm sú

Mặc dù thẻ chân trắng là đối tượng nuôi mới, nhưng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh từng ngày. Hiện chưa có số liệu điều tra chính thức, nhưng theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, hầu hết diện tích quy hoạch nuôi tôm công nghiệp trên 5.000 ha đã được người dân chuyển sang nuôi đối tượng này. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ nuôi ghép với tôm sú theo hình thức quảng canh truyền thống và quảng canh cải tiến.

Ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cho biết, trước đây tỉnh có quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng gần đây tỉnh cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi công nghiệp chung với khu nuôi tôm sú công nghiệp ở những khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Nhưng chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng ở loại hình công nghiệp, không được nuôi các loại hình khác.

Quy định là vậy, nhưng do thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, rủi ro ít so với tôm sú nên nhiều người dân tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài vùng quy hoạch. Đây là vấn đề rất khó, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cao, trong khi ngành chức năng chưa có cách giải quyết thấu đáo, kịp thời.

Theo dự đoán của ngành chuyên môn, tôm thẻ chân trắng sẽ lấn át tôm sú trong những năm tới là chuyện không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, khi nuôi đối tượng này nhiều sẽ gây mất cân đối nguồn nguyên liệu giữa con tôm sú và thẻ chân trắng. Theo quy luật kinh tế thị trường, nếu cung vượt cầu thì doanh nghiệp sẽ hạ giá sản phẩm của nông dân.

Một bài học đáng nhớ là chuyện cách đây không lâu người dân ồ ạt đầu tư nuôi trăn. Do không xuất khẩu được, giá trăn hạ thấp, gây nhiều tổn thất. Sau đó đến điệp khúc con cá chình, cá bống tượng cũng gặp nhiều khó khăn tương tự trong khâu tiêu thụ.

Mặt khác, khi diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh, tình trạng khan hiếm con giống, dịch bệnh bùng phát, thị trường đầu ra mất cân đối… Đây sẽ là điều mà người nuôi tôm cùng ngành nông nghiệp phải đối phó trong những vụ nuôi tiếp theo.

Anh Nguyễn Văn Hiền, ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cho biết, qua nhiều vụ nuôi tôm sú không thành công, anh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán công nghiệp. Con giống được thả với mật độ 40-50 con/m2 và cho ăn.

Sau gần 70 ngày, anh thu hoạch 1 ha, lãi trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, anh tìm mua con giống thả nuôi lại vụ 2 không có, mặc dù hơn 1 ha đất vuông nhà anh đã được cải tạo, xử lý nước gần nửa tháng qua.

Trên thực tế, tôm thẻ chân trắng đang nhận được sự ủng hộ cao của người nuôi tôm, bởi thời gian nuôi ngắn, vòng vốn quay nhanh, nuôi nhiều vụ trong năm.

Anh Nguyễn Lê Thanh, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Thời gian nuôi tôm thẻ ngắn, chỉ khoảng 2 tháng là thu hoạch, nuôi được nhiều vụ trong năm, lợi nhuận tương đương so với nuôi tôm sú. Chính vì những ưu thế này, vì lợi ích kinh tế hiện tại, người nuôi ồ ạt chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trong khi, tôm thẻ chân trắng chỉ cho phép nuôi theo mô hình công nghiệp tập trung, với những điều kiện kỹ thuật khắt khe, thì thực tế người dân đang ồ ạt chuyển sang nuôi tràn lan. Theo đó, khả năng thiệt hại là điều không tránh khỏi. Hơn lúc nào hết, ngành chức năng cần sớm có những động thái tích cực trước khi quá muộn.

Tôm thẻ chân trắng có tên trong danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện ở Việt Nam theo Thông tư 22/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện vi-rút Taura làm chết nhiều tôm và thành dịch như Bộ Tài nguyên và Môi trường lo ngại. Trên thực tế, đối tượng nuôi này đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người nuôi tôm ủng hộ, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Bồ Câu Pháp Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Bồ Câu Pháp

Anh Trần Văn Đới, thôn Phú Ốc, xã Gio Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) hiện đang nuôi 250 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng, trung bình mỗi cặp đẻ 8 – 9 lứa/năm, với khoảng 200 cặp chim non/lứa nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua chim giống của thị trường. Đây được xem là mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập khá vì bồ câu là giống sinh sản nhanh, ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế cao.

05/08/2013
Tự tin về đích đúng lộ trình Tự tin về đích đúng lộ trình

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhờ có hướng đi đúng đắn cùng sự đồng sức đồng lòng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, Xuân Phổ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã thay da đổi thịt từng ngày.

05/08/2013
Tạm Ngưng Cung Cấp Cá Tra Bố Mẹ Ra Thị Trường Tạm Ngưng Cung Cấp Cá Tra Bố Mẹ Ra Thị Trường

Do hiện nay cá tra tra giống tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm nên trong thời gian tới Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) sẽ tạm ngưng cung cấp cá tra giống bố mẹ ra thị trường và chưa cho biết thời gian khi nào cung cấp trở lại.

05/08/2013