Giá / Mô hình kinh tế

Thấp Thỏm Với Giá Lúa

Thấp Thỏm Với Giá Lúa
Tác giả: 
Ngày đăng: 26/08/2013

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu hoạch sớm vụ lúa Thu đông 2013. Tuy nhiên, giá lúa liên tục sụt giảm trong những ngày qua, nhất là những giống có phẩm cấp gạo thấp (IR 50404), đã khiến nhà nông không khỏi lo lắng.

Lúa IR 50404 giảm giá

Khoảng 30ha lúa Thu đông được gieo sạ sớm tại ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đang được người dân nơi đây khẩn trương thu hoạch trong những ngày qua. Đang cân lúa cho thương lái, ông Võ Văn Thêm cho biết: “Tôi vừa thu hoạch xong 8 công lúa (cắt máy), giống IR 50404, năng suất đạt 700 kg/công, bán với giá 4.450 đồng/kg (tăng 250 đồng/kg so với vụ Hè thu rồi), với giá này sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình có nguồn lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/công”.

Tuy nhiên, mức giá trên chỉ có ông Thêm và một số hộ dân thu hoạch trước bán được, còn những bà con thu hoạch sau đó không lâu thì giá liên tục giảm. Ông Nguyễn Văn Kiềm than: “Tuy cùng một loại giống, chỉ lấy tiền cọc sau 2 ngày, nhưng mỗi ký lúa phải mất 50 đồng, nghĩa là chỉ bán được 4.400 đồng/kg. Như vậy, với hơn 7 tấn lúa vừa thu hoạch xong coi như mất 350.000 đồng”.

Theo nông dân trồng lúa, sau khi chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo có hiệu lực (từ 15-6 đến 15-8), thì giá lúa trên thị trường bắt đầu tăng lên. Khi hết thời gian và mua tạm trữ đạt kế hoạch thì giá có chiều hướng giảm trở lại. Cụ thể, vào đầu tháng 8 này, những hộ dân có lúa Thu đông thu hoạch sớm đã lấy tiền cọc của thương lái từ 4.400-4.450 đồng/kg, nhưng kể từ ngày 16-8 đến nay, giá lúa chỉ còn từ 4.200-4.300 đồng/kg và còn có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hiện tại, lúa IR 50404 là giống đang có giá thu mua giảm mạnh nhất. Nếu như các giống lúa OM 5451 hay OM 4218 được người dân tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ gieo sạ trong vụ Hè thu và thu hoạch cuối vụ trong những ngày qua có giá từ 4.800-4.900 đồng/kg (lúa tươi cắt máy), thì  riêng  giống lúa IR 50404 thu hoạch cùng thời điểm ở huyện Vị Thủy chỉ có giá 4.200-4.300 đồng/kg.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp, trong tổng số gần 50.000ha lúa Thu đông vụ này thì có đến 8.038,96ha được người dân gieo sạ bằng giống IR 50404, chiếm tỷ lệ 16,19%. Đây là điều trăn trở của ngành chức năng trong thời gian qua. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời cho rằng: Vụ lúa Thu đông, bà con thường sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến phẩm cấp gạo thấp hơn so với vụ Hè thu và Đông xuân.

Ngược lại, diện tích gieo sạ ít, từ đó giá lúa cũng tương đối ổn định. Hiện tại, thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng có giá trên 4.000 đồng/kg, đây là mức vẫn đảm bảo nguồn lợi nhuận cho nông dân. Bởi, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến nông như: mô hình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; “cấy nấm xanh phòng trừ rầy nâu”;… Qua đó, đã giúp nông dân hạ giá thành sản xuất. 

Kỳ vọng trong thời gian tới

Việc giá lúa đầu vụ đang có chiều hướng giảm như hiện nay đã khiến nhiều nông dân chuẩn bị thu hoạch tới ðây không khỏi lo lắng. Anh Nguyễn Vãn Cảnh, nông dân ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Tôi có 1,2ha lúa còn 6 ngày nữa là thu hoạch, nhưng với giá lúa như hiện nay, tôi sợ lợi nhuận vụ này sẽ không cao. Nguyên nhân, một phần là do giá lúa thấp, mặt khác chi phí đầu tư lại tăng cao.

Bởi, vào thời điểm gieo sạ lúa đúng ngay lúc mưa, bão nên phải tốn nhiều tiền mua xăng, dầu bơm nước, có hộ phải mua giống sạ lại. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp, người dân phải tốn nhiều tiền mua thuốc về phun xịt. Bình thường, chi phí đầu tư 1 công đất khoảng 1,2-1,5 triệu đồng, nhưng riêng vụ này lại tăng lên hơn 2 triệu đồng. Nếu giá lúa dưới 4.000 đồng/kg thì coi như nông dân lấy lúa cũ đổi lúa mới chứ không có lợi nhuận gì”.

Theo Sở Công thương tỉnh, từ đầu năm đến nay, không riêng gì nông dân gặp khó về giá lúa, mà tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Giá gạo trong nước và xuất khẩu ở mức thấp trong một thời gian dài, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nội địa, dẫn đến gạo tồn đọng tại các doanh nghiệp còn khá lớn. Qua sơ kết 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang, đơn vị này đã lỗ đến 40 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện có một tín hiệu vui cho nông dân là, thời gian gần đây, một số nước có nhu cầu nhập khẩu lúa, gạo đang có động thái tích cực trong việc đẩy mạnh hợp đồng thu mua gạo với các doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm được những hợp đồng mới, hiệu quả hơn, sớm giải phóng lượng gạo đang tồn đọng, đồng thời đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa trong dân, cũng như từng bước cải thiện mức giá thu mua. 

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Sở Công thương tỉnh, cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp là Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang và Công ty TNHH Đầu tư Đại Phát. Kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2013 của 2 đơn vị này là thu mua 190.000 tấn gạo.

Trong đó, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang 180.000 tấn, Công ty Đại Phát 10.000 tấn. Đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang đã thu mua 121.000 tấn gạo, phấn đấu từ nay đến cuối năm mua thêm 60.000 tấn gạo. Riêng Công ty TNHH Đại Phát đưa ra chỉ tiêu thu mua đến cuối năm là 2.000 tấn gạo.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, nếu Chính phủ tiếp tục phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa, gạo cho dân thì Sở Công thương sẽ phối hợp và giao chỉ tiêu cho 2 đơn vị này thực hiện theo kế hoạch đề ra. Cố gắng hạn chế lúa ứ đọng trong dân và đảm bảo mức lợi nhuận cho người trồng lúa…


Có thể bạn quan tâm

Kinh Nghiệm Chăm Sóc Sầu Riêng Đạt Năng Suất Cao Kinh Nghiệm Chăm Sóc Sầu Riêng Đạt Năng Suất Cao

Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.

26/08/2013
Tăng Thu Nhập Từ Nuôi Trăn Tăng Thu Nhập Từ Nuôi Trăn

Trong thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi như hiện nay, một mô hình chăn nuôi mới đang dần mở ra hướng tích cực, bởi ít gặp rủi ro lại nhẹ công chăm sóc. Đó là mô hình chăn nuôi trăn của một số hộ dân thuộc ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

26/08/2013
Thanh Long Trái Vụ - Chuyện Dài Giữa Ông Nhà Đèn Và Bác Nông Dân Thanh Long Trái Vụ - Chuyện Dài Giữa Ông Nhà Đèn Và Bác Nông Dân

Nhu cầu dùng điện lưới để chong đèn thanh long trái vụ ở tỉnh Bình Thuận lớn thế nào thì ai cũng biết. Những năm gần đây, do sự phát triển diện tích trồng thanh long nên nhu cầu trên lại tiếp tục tăng với nhịp độ chóng mặt

26/08/2013