Thành Phố Hồ Chí Minh Cần Mô Hình Nuôi Bò Sữa Mới
Vài năm qua người nuôi bò sữa thực sự có lãi nhờ giá thu mua của các nhà máy chế biến khá cao nên có xu hướng phát triển bền vững hơn. Bên cạnh hộ gia đình đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của các công ty chế biến sữa như Vinamilk, TH milk, Future milk, Mộc Châu milk… Thế nhưng, chăn nuôi bò sữa không chỉ có cơ hội mà còn gặp những thách thức mới.
TPHCM có khoảng 8.200 hộ nuôi bò sữa nhỏ lẻ, bình quân gần 10 con/hộ.
TPHCM cung cấp giống bò sữa cho các tỉnh
Tổng đàn bò sữa cả nước cuối năm 2011 tăng lên hơn 142.700 con (năm 2000 là 35.000 con), tổng lượng sữa tươi tăng lên 345.400 tấn (năm 2000 là 51.400 tấn). Hơn 10 năm qua mô hình chăn nuôi bò sữa tại TPHCM đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành cả nước. Nuôi bò sữa phát triển mạnh trong các hộ gia đình và mô hình này vẫn chiếm chủ đạo so với mô hình nuôi trang trại công nghiệp quy mô lớn hàng ngàn con. Dù một số công ty chế biến sữa nhập khẩu con giống bò sữa thuần HF (Holstein Fresian) từ Australia, New Zealand… về nhưng con giống trong nước vẫn là chủ yếu.
Trong đó, TPHCM là địa phương cung cấp con giống bò sữa lớn nhất cho nhiều tỉnh thành. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, bình quân hàng năm các cơ sở nuôi bò sữa tại TPHCM cung cấp gần chục ngàn con bò sữa giống HF lai cho các địa phương nhưng đàn bò sữa TP vẫn tăng. Kế hoạch nuôi 83.500 con bò sữa vào năm 2015 của TP đã vượt từ đầu năm 2012, khi tổng đàn lên đến 88.300 con. Tổng đàn bò sữa TPHCM chiếm đến 54,2% tổng đàn cả nước, riêng huyện Củ Chi (TPHCM) chiếm 1/3 tổng đàn cả nước.
Nguồn cung sữa tươi cho các nhà máy chế biến tại Việt Nam vẫn còn thiếu. Hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu chế biến của các nhà máy. So với tiềm năng còn rất lớn của thị trường thì việc gia tăng đàn bò sữa tại TPHCM là điều đáng mừng. Thế nhưng, đây không chỉ là tin vui cho ngành nông nghiệp TP mà còn là vấn đề về môi trường, chất thải, làm sao việc phát triển đàn bò sữa phải bền vững là yêu cầu cấp bách hơn nhiều so với việc tăng số lượng đầu con. Đàn bò sữa TPHCM khởi nguồn từ quận Tân Bình, Gò Vấp, nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp tại TPHCM giảm hàng ngàn hécta mỗi năm nên phải dạt ra huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức, quận 12, rồi giờ đây phải lên huyện Củ Chi và lan qua tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước…
Ít hơn để được nhiều hơn
TPHCM là nơi khởi phát mô hình nuôi bò sữa hộ nhỏ lẻ trong khoảng 30 năm qua, nhưng tay nghề người nuôi bò sữa ít được nâng cao kỹ năng do đàn bò sữa di chuyển dần từ quận ven ra ngoại thành nên khó có sự kế tục nhiều thế hệ trong gia đình như những nước có truyền thống nuôi bò sữa Hà Lan, Mỹ... Năng suất sữa tươi bình quân ở TPHCM đạt 4.700 - 4.800 kg/con/chu kỳ (306 ngày), đang phấn đấu sẽ tăng lên 5.200 kg/con/chu kỳ.
Tuy nhiên, với kiểu nuôi quy mô nhỏ, riêng lẻ từng nông hộ như hiện nay sẽ rất khó gia tăng năng suất và chất lượng sữa. Khảo sát khoảng 15% số hộ nuôi bò sữa ở 5 xã trọng điểm huyện Củ Chi là An Nhơn Tây, An Phú, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông và Phú Mỹ Hưng, Tổ chức Nông nghiệp - thú y không biên giới (AVSF) của Pháp nhận định, bò sữa ở hộ nuôi nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế mà lẽ ra không đáng có như: bò sữa bị viêm vú đến 71%, 78% bò bị viêm móng do tỷ lệ chăn thả quá ít (4%) còn lại là cột bò và đứng trên nền xi măng thay vì trên thảm cao su.
Bên cạnh đó, dinh dưỡng chưa cân đối và hợp lý, dư thừa thức ăn tinh, thiếu thức ăn thô xanh làm mất cân bằng việc chuyển hóa thức ăn trong dạ cỏ nên làm giá thành tăng cao không đáng có; khoảng cách giữa 2 lần sinh khá dài (477 ngày) do tỷ lệ đậu thai thấp (3,2 lần) có thể do bị stress nhiệt (chỉ có 13% số trại có hệ thống làm mát), khẩu phần thức ăn không cân đối…
Tại buổi hội thảo hợp tác chăn nuôi vùng Rhône Alpes (Pháp) với TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi (Viện Chăn nuôi quốc gia), cho rằng, để có thể phát triển bền vững, nhất là tại TPHCM, không nhất thiết phải tăng thêm đàn mà nên tổ chức lại mô hình theo hướng hình thành các hợp tác xã chăn nuôi bên cạnh các trang trại với quy mô đàn tăng lên, giảm dần số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số con cho mỗi đàn, giảm chi phí đầu vào để thu nhập tăng lên.
HTX sẽ là nơi cung cấp thức ăn hỗn hợp (TMR từng phần hay toàn phần) với giá thấp hơn thị trường 5% - 10%, nơi tiêu thụ sữa tươi cũng như cung cấp thú y viên có tay nghề giúp việc thụ tinh kịp thời, đúng kỹ thuật hơn. Chế độ dinh dưỡng phù hợp, tiêm chủng đầy đủ giúp hạn chế nhiều bệnh tật với chi phí chỉ bằng 1/40 so với bò sữa bị bệnh phải chữa trị.
Nếu việc chọn lọc giống bò HF chất lượng và phù hợp, sẽ giúp tăng sản lượng sữa lên 10% - 15%/chu kỳ và chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ làm tăng sản lượng sữa lên 80% - 90%. Ngoài ra, cũng cần thay đổi cấu trúc chuồng trại, có hệ thống phun sương, làm mát… để hạn chế đàn bò không bị stress nhiệt, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sữa. Nhà nước hỗ trợ việc xây dựng hệ thống biogas để tận dụng chất phế thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dùng năng lượng phục vụ trở lại việc chăn nuôi và sinh hoạt…
Related news
Trước khi Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra này, Cục Thú y cũng đã lấy 5 mẫu gà nhập lậu ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội) để kiểm tra và kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết đều phát hiện tồn dư kháng sinh sulphadiazine.
Các chủ đùng nuôi tôm ở khu vực nuôi thủy sản xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải “mất ăn mất ngủ” vì nạn trộm tôm hoành hành. Bọn trộm sử dụng ống hơi, lặn sâu dưới đùng để bắt, hàng tấn tôm của các chủ đùng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nghiêm trọng hơn là các thiết bị điện cho hệ thống sục khí cũng bị chúng vơ vét không chừa.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi heo trong tỉnh Phú Yên đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro.