Thành Phố Cà Mau Sau Hơn 2 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới
Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để xây dựng các tiêu chí NTM trên địa bàn 7/7 xã của TP Cà Mau trên 154 tỷ đồng.
Trong đó, vốn từ ngân sách trên 90 tỷ đồng, huy động đóng góp từ doanh nghiệp và nhân dân trên 28 tỷ đồng, vốn lồng ghép và tín dụng hơn 35 tỷ đồng.
Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông và phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập cho người dân luôn là ưu tiên hàng đầu. Để đẩy nhanh tiến độ, hằng năm thành phố đều phát động đăng ký thi đua xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2012, 7/7 xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch và công bố quy hoạch xây dựng NTM ra dân được 24 cuộc với gần 2.000 người tham dự.
Trong quý I/2013, TP Cà Mau tập trung triển khai thi công 19 tuyến lộ giao thông nông thôn với chiều dài trên 51.000 m, dự toán kinh phí hơn 78 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 54 tỷ đồng, vận động nhân dân đóng góp hơn 23 tỷ đồng.
Đồng thời, từ nguồn kinh phí vận động các công ty, doanh nghiệp, thành phố đang thi công 6 cây cầu nông thôn với tổng vốn trên 3 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông cho các xã vùng ven.
Thành phố hiện có 46,5 km đường ô-tô về trung tâm xã đạt chuẩn, 103 km đường trục xã và liên xã, trong đó đã trải nhựa và bê-tông 94 km, đạt trên 91%. Đường trục ấp, xóm tổng số 286 km, trong đó có 153 km đã được bê-tông hoá, đạt trên 53%.
Toàn thành phố có 139 cây cầu nông thôn thì đã có 73 cây đã được kiên cố hoá. Đặc biệt, 3 xã điểm xây dựng NTM là An Xuyên, Tắc Vân và Lý Văn Lâm số đường giao thông liên ấp từ có mặt đường rộng 2,5-3 m đạt trên 90%, bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân.
Hệ thống giao thông thông suốt là điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn của TP Cà Mau chuyển dịch theo hướng nông nghiệp 5,36%; tiểu thủ công nghiệp, làng nghề 43,99% và thương mại dịch vụ, du lịch 50,64%.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 24 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân ổn định và tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn 2,76%.
Để đa dạng hoá các mô hình kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, thành phố hỗ trợ và triển khai nhiều dự án, mô hình sản xuất. Trong năm 2012, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với các ngành chức năng và người dân triển khai 12 mô hình sản xuất với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Nhiều mô hình bước đầu phát huy được hiệu quả như: mô hình ruộng lúa bờ hoa quy mô 15 ha/17 hộ, nguồn vốn trên 300 triệu đồng; mô hình nuôi gà lương phượng với tổng nguồn vốn trên 240 triệu đồng; mô hình nuôi heo ứng dụng đệm lót sinh thái với nguồn vốn 20 triệu đồng; mô hình trồng thanh long ruột đỏ với vốn đầu tư 104 triệu đồng; mô hình nuôi cá sặt rằn với nguồn vốn trên 500 triệu đồng…
Bên cạnh đó, thành phố tập trung khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả. Hiện 7 xã vùng ven thành phố có 6 trang trại, 9 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp hoạt động có lãi với nguồn vốn thực hiện gần 200 triệu đồng.
Từ các mô hình phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Kết quả là trên 90% lao động nông thôn có việc làm, trong đó có 71,5% làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Số lao động nông thôn qua đào tạo nghề chiếm 48%.
Diện mạo các xã vùng ven TP Cà Mau ngày thêm khởi sắc, kinh tế phát triển, đời sống ổn định, người dân ngày càng tin tưởng và đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng NTM. Hiện 7/7 xã của thành phố đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Thành phố đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có ít nhất 3 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Related news
Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 100 ha nuôi cá tra xuất khẩu (trong đó, có 15 ha của Công ty TNHH thủy hải sản Sài Gòn MêKông được công nhận đạt chuẩn Global GAP), với sản lượng đạt hơn 20.000 tấn cá thương phẩm
Anh Trịnh Thanh Phong, 42 tuổi ở thôn Tân an, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thu hoạch ốc hương bằng máy hút ốc.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành tăng cường phối hợp, có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.