Giá / Mô hình kinh tế

Thanh Long Bình Thuận Đang Mất Dần Vị Trí Số 1

Thanh Long Bình Thuận Đang Mất Dần Vị Trí Số 1
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/06/2012

Từ lâu Bình Thuận được biết đến như “thủ phủ” của trái thanh long. Không chỉ diện tích lớn mà chất lượng trái thanh long cũng hơn hẳn các nơi khác. Tuy nhiên vài năm trở lại đây trái thanh long Bình Thuận đang mất dần vị trí “độc tôn”. Kiểu sản xuất tự phát, chụp giật khiến trái thanh long Bình Thuận mất điểm ở thị trường xuất khẩu. Vị thế số 1 của thanh long Bình Thuận đang dần mất đi.

Vẫn còn tự phát

Mặc dù tỉnh kêu gọi người dân sản xuất thanh long sạch nhưng hiện nay diện tích thanh long trồng đại trà vẫn nhiều hơn thanh long VietGap (thanh long Viet Gap chỉ 5.300 ha/18.000 ha chiếm 29,4%). Ngay cả việc sản xuất thanh long VietGap hiện nay vẫn còn nhiều bất cập khiến người dân không mặn mà.

Năm 2012, tỉnh đưa ra chỉ tiêu mở rộng thêm 2.000 ha thanh long Viet Gap, nhưng 5 tháng đầu năm nay chỉ mới làm được hơn 300 ha. Không phải người dân không hiểu được lợi ích lâu dài của việc sản xuất thanh long sạch mà bởi việc tham gia VietGap chưa mang lại hiệu quả cao, đôi lúc có phần thua thiệt so với thanh long sản xuất đại trà. Hiện nay thương lái vẫn thu mua kiểu đánh đồng, không phân biệt thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Chỉ cần trái lớn, đẹp, tai xanh là mua.

Với việc sản xuất thanh long tự phát như hiện nay, thanh long Bình Thuận sẽ mất đi thương hiệu của mình. Ảnh: N.Luân

Cũng theo phản ánh của người dân thì hiện nay các nước nhập khẩu trái thanh long Bình Thuận vẫn thích loại trái có trọng lượng từ 500g trở lên, do đó thương lái lấy đây là tiêu chuẩn phân biệt hàng cồ (to) và hàng dạt (nhỏ). Giá của hai loại này chênh lệch khá lớn, khiến người dân tìm mọi cách để trái thanh long đạt trọng lượng 500g trở lên. Thanh long VietGap sản xuất theo quy trình nên muốn đạt được trọng lượng trên, người trồng phải để số lượng trái ít hơn, hiệu quả kinh tế thấp là điều dễ hiểu. “Trước lợi nhuận mà trái thanh long mang lại, nhiều người sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Viet Gap cũng cố tình sản xuất sai quy trình khiến trái thanh long chỉ còn “mác” VietGap chứ thực sự là sản xuất đại trà. Ở những nơi đất xấu, sản xuất theo quy trình Viet Gap trái thanh long không đủ trọng lượng, bị thương lái đánh xuống hàng dạt, người dân không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía doanh nghiệp thu mua”, chị Trường ở xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam bộc bạch.

Mặc dù bỏ nhiều công sức hơn nhưng thanh long VietGap và thanh long thường bán cùng một giá. Bên cạnh đó, giữa các nhà vườn sản xuất thanh long VietGap theo tổ hợp tác sản xuất và đơn vị thu mua vẫn chưa có quy chế phối hợp. Lúc cần hàng thì doanh nghiệp đến tận vườn còn khi đủ hàng thì họ lại “bỏ mặc” người trồng, khiến người dân rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”.

Sức nóng từ Long An, Tiền Giang

Mặc dù diện tích sản xuất cây thanh long của hai tỉnh Long An và Tiền Giang không lớn, nhưng hiện nay trái thanh long sản xuất ở đó lại được các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu ưa chuộng hơn trái thanh long Bình Thuận. Nhiều thương lái cho biết trái thanh long sản xuất ở hai tỉnh trên có vẻ ngoài bắt mắt hơn thanh long Bình Thuận. Vỏ bóng, tai xanh, thời gian bảo quản lâu hơn hẳn thanh long Bình Thuận. Cùng với lợi thế về vị trí địa lí, thanh long ở hai tỉnh trên đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với thanh long Bình Thuận trên thị trường khó tính. “Cùng với Long An và Tiền Giang thì hiện nay Đài Loan cũng đang đẩy mạnh phát triển cây thanh long, đã mở rộng diện tích 1.000 ha. Nếu người dân không bỏ kiểu sản xuất cũ, tập trung vào sản xuất trái thanh long chất lượng cao thì việc thanh long Bình Thuận mất điểm trên thị trường xuất khẩu là chuyện nay mai”, ông Bùi Đăng Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận nói.

Tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm, nhiều đại biểu đang lo ngại về diện tích thanh long VietGap thời gian tới sẽ khó mở rộng. Do đó, trước những băn khoăn của người dân về Viet Gap, tỉnh cần có những giải pháp chỉ đạo phù hợp trong quá trình thực hiện thanh long VietGap. Nếu không thương hiệu thanh long Bình Thuận sẽ khó trụ vững trên thị trường quốc tế.

“Không dám” xuất sang châu Âu

Trước tình hình mặt hàng rau của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu 3 lần bị nhắc nhở vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận “không dám” xuất khẩu sang châu Âu. Họ sợ thanh long không đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường bạn bị “thổi còi”, mất uy tín với khách hàng. Ông Trần Ngọc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, một trong số ít các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu cho biết: “Công ty vẫn xuất khẩu sang thị trường đều đặn. Nhưng chỉ xuất khẩu thanh long theo tiêu chuẩn Gobar Gap do công ty tự làm ra. Chúng tôi không dám lấy hàng ở ngoài vì sợ thanh long không đạt chất lượng. Nói là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhưng nhiều nhà vườn vẫn lén lút sử dụng thuốc ngoài danh mục, khiến hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều”.

Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt Sinh Sản An Toàn Sinh Học Ở Phú Yên Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt Sinh Sản An Toàn Sinh Học Ở Phú Yên

Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt thuần chủng Khaki Campell do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Phú Yên thực hiện đã bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.

23/06/2012
Ứng Dụng Kỹ Thuật, Công Nghệ Mới Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ứng Dụng Kỹ Thuật, Công Nghệ Mới Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, hiện đạt 486ha ở ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất 10 tấn/ha, có hộ đạt 14-15 tấn/ha, cho thu lãi từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.

23/06/2012
Tỷ Phú Cá Lăng Đuôi Đỏ Tỷ Phú Cá Lăng Đuôi Đỏ

Ông Nguyễn Nhật Lệ, GĐ Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk cho biết, toàn tỉnh có khoảng 150 hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ với diện tích 15 ha, chủ yếu nuôi trong ao đất và lồng bè. Điển hình là hộ anh Nguyễn Minh Tuấn, người tiên phong nuôi cá lăng đuôi đỏ ở hồ Ea Kao.

23/06/2012