Trồng Cỏ Chăn Nuôi Ở Xã Thượng Giáp
Thượng Giáp là một trong 8 xã phía Bắc của huyện vùng cao Nà Hang, có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn trâu trong xã luôn duy trì từ 720 - 800 con; đàn bò từ 250 - 300 con, bình quân mỗi hộ dân trong xã nuôi từ 2 - 3 con trâu, bò.
Chủ động nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc, cuối năm 2011 Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã Thượng Giáp triển khai mô hình trồng cỏ VA06 trên địa bàn 2 thôn: Bản Cưởm và Nà Ngoa, diện tích 3 ha. Đây là loại cỏ có khả năng chịu rét tốt, ít sâu bệnh và là loài cây phổ rộng, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Đặc biệt, cỏ VA06 có năng suất cao, khả năng lưu gốc được nhiều năm và quanh năm cho thu hoạch, cỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Quá trình tổ chức thực hiện, Trạm Khuyến nông huyện đã phân công cán bộ theo dõi và hướng dẫn bà con thực hiện chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật. Sau 6 tháng triển khai mô hình đến nay cỏ đã cho thu hoạch, nhiều hộ dân trong xã đã đăng ký với cán bộ khuyến nông mua giống cỏ về trồng.
Gia đình ông Nguyễn Trung Păn, ở thôn Bản Cưởm, nuôi 4 con trâu tham gia mô hình trồng 3.000 m2 cỏ VA06 nhận xét, đây là loại cây dễ trồng, rất hợp với đất vùng cao, chỉ cần chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật cây phát triển tốt. Tuy lứa đầu từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất vài tháng, nhưng lứa tiếp theo chỉ sau 35 đến 40 ngày đã được thu hoạch. Từ khi trồng cỏ VA06, đàn trâu của nhà béo mượt hẳn lên.
Cùng thôn còn có gia đình anh Nguyễn văn Phương tham gia mô hình cho biết, trồng loại cỏ này giống như cây mía, thân thẳng và cao, trồng được cả nơi đất bằng cũng như đất dốc đều đẻ nhánh khỏe và phát triển tốt. Thực tế việc trồng cỏ của gia đình qua cắt lứa đầu năng suất đạt 1,2 tấn/100 m2, tương đương 120 tấn/lứa/ha. Chúng tôi rất biết ơn cán bộ khuyến nông đã lựa chọn được giống cỏ tốt để giảm số trâu, bò chết do đói, rét của mùa đông.
Tại buổi tổng kết mô hình trồng cỏ VA06, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã khuyến cáo cán bộ 8 xã phía Bắc của huyện Nà Hang và bà con trong xã Thượng Giáp về sự cần thiết trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Trước đây, chúng ta có đồng cỏ rộng, diện tích trồng trọt ít bà con thường thả rông gia súc, nhưng nay đồng cỏ thu hẹp, để chăn nuôi phát triển phải thay đổi tập quán từ chăn thả sang chăn nuôi. Cùng với việc trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò trong những ngày mưa, thì việc chế biến thức ăn ủ chua còn là nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa đông giá rét.
Sự thành công của mô hình trồng cỏ VA06 là cơ sở cho bà con nhân giống cỏ ra quy mô toàn xã Thượng Giáp, thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Thông qua mô hình các hộ đã làm cần phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn hộ chưa làm tham gia làm theo. Nhân rộng diện tích cỏ VA06 sẽ tạo nguồn thức ăn đáng kể phục vụ chăn nuôi ở địa phương ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Đợt dịch tai xanh vừa qua tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có gần 4.400 con heo bị nhiễm vi rút Lelystad, trong đó 1.573 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Sau khi mầm bệnh được dập tắt, người chăn nuôi muốn mau chóng gầy dựng lại đàn gia súc (tái đàn) nhưng họ đang gặp phải khó khăn vì giá heo giống và heo choai nuôi thịt liên tục tăng lên...
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một diện tích đất trồng lúa dựa vào nguồn nước trời và thực tế thu hoạch khá bấp bênh. Giống lúa P6 đột biến bén duyên với mảnh đất Quảng Nam bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân.
Với giá bán 7.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng dưa hấu trong tỉnh Quảng Ngãi vui như… Tết! Chẳng thế mà cạnh những ruộng dưa đang thu hoạch dở, nhiều diện tích vốn là đất của mía đã được nông dân lên hàng, phủ bạt để trồng dưa hấu! Dẫu vẫn biết có thể trắng tay.