Thành Công Từ Nhân Giống Chồn Mướp
Từng nổi tiếng với mô hình nuôi heo rừng lai, giờ đây anh Nguyễn Tuấn Kiệt, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), còn phát triển thêm mô hình nuôi chồn mướp (cầy hương), không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra triển vọng cho sự bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này.
Sau khi tìm hiểu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn mướp trên các kênh thông tin đại chúng, anh Nguyễn Tuấn Kiệt nhận thấy loài động vật này rất dễ nuôi nên anh quyết định đến tham quan một trang trại nuôi chồn ở tỉnh Bạc Liêu.
Đến đây, anh mua về 6 con chồn bố mẹ, với nguồn vốn ban đầu là 24 triệu đồng. Sau khoảng thời gian chưa đầy 15 tháng nuôi, anh nhân giống được 40 chồn con (mỗi con chồn mẹ 1 năm có thể sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa từ 4-5 chồn con).
Giá chồn mướp 60 ngày tuổi trên thị trường hiện khoảng 2,5 triệu đồng/con, theo tính toán, trừ chi phí, 1 con chồn sinh sản anh thu lợi hơn 11 triệu đồng/năm. Hiện nay, số lượng chồn của gia đình anh Kiệt trị giá lên đến cả 100 triệu đồng.
Theo anh Kiệt, nuôi chồn khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối chín, nếu không có chuối thì có thể cho ăn cháo cá. Anh cho biết, bình quân 10 con chồn mỗi ngày ăn 300 g gạo và 1 kg cá phi, tương đương 1.000 đồng/con/ngày.
Bên cạnh việc phát triển mô hình nuôi chồn mướp, những năm qua mô hình nuôi heo rừng lai của anh cũng đem lại thu nhập khá lý tưởng. Ngoài việc cung ứng con giống cho người chăn nuôi trong và ngoài huyện (mỗi năm xuất chuồng khoảng 200 heo giống), gia đình anh cũng là địa chỉ cung ứng nguồn thịt heo rừng lai thương phẩm mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Từ một nông dân bình thường, nhưng bằng sự đam mê và nhiệt huyết của mình, giờ đây anh Nguyễn Tuấn Kiệt được biết đến như một nhà nhân giống “chân đất”.
Hiện nay, anh đang quy hoạch mở rộng mô hình nuôi chồn mướp theo hướng trang trại, bởi theo anh, đây là chủng loài quý hiếm trên thị trường, giá chồn thương phẩm cũng khá lý tưởng.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm có hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, trang trại, gia trang, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nấm.
Hiện nay, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… liên tục xảy ra tình trạng tôm, nghêu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi, có nơi thiệt hại lên tới 80 - 100%. Vậy đâu là nguyên nhân và cách phòng tránh những thiệt hại này
Nông dân đang bị "nhiễu" bởi trên thị trường có quá nhiều loại phân bón chất lượng lại rất kém. Nhiều nhãn hiệu phân bón lớn bị làm giả, khiến nông dân và doanh nghiệp lao đao.