Thành Công Nghề Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè Trên Sông Ở Bến Tre
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre chọn cá điêu hồng làm mô hình trình diễn tại hộ ông Trịnh Công Trung - ấp 10 - xã Tân Thạch (Châu Thành).
Lồng bè dài 4m, rộng 9m, cao 3m, vật liệu xây dựng chính là sắt và lưới mắt nhỏ (giá đầu tư hiện nay khoảng 120 triệu đồng). Mô hình được thực hiện dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến ngư và thả 12.500 con cá điêu hồng (trọng lượng 60 con/kg, mua ở khu ương cá giống - cá điêu hồng tập trung xã Phú Túc - Châu Thành). Cá điêu hồng nuôi cho ăn bằng thức ăn công nghiệp Tilapia feed (Uni - President) dùng cho cá rô phi và cá có vẩy, độ đạm từ 25-35% trong suốt quá trình nuôi.
Ngày 18-3-2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã nghiệm thu mô hình. Kết quả, cá điêu hồng nuôi 7 tháng, có trọng lượng trung bình đạt 650g/con, tỷ lệ sống đạt 81%, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR): 1,68 (vượt chỉ tiêu ban đầu FCR: 1,7). Tổng sản lượng cá điêu hồng thu hoạch tại thời điểm nghiệm thu đạt 6,5 tấn, với giá 36.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi trên 40 triệu đồng. Khi hỏi về sự thành công này, ông Trịnh Công Trung chia sẻ: Để có được hiệu quả cao, người nuôi cần làm tốt việc chuẩn bị lồng bè, chọn giống, chăm sóc cũng như cách phòng trị bệnh cho cá điêu hồng trong suốt thời gian nuôi, đặc biệt là kỹ thuật cho cá ăn và quản lý thức ăn dư thừa ở các giai đoạn cá phát triển. Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn mua cá điêu hồng giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, cá khỏe mạnh, cỡ cá đồng đều, cá giống có màu vàng gạch, không lẫn cá đen hay cá đốm; sử dụng thức ăn của những doanh nghiệp có uy tín, có đầy đủ các thành phần cơ bản, bao gồm các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, vitamin, lipid…
Trong quá trình nuôi, tháng đầu, ương cá điêu hồng trong vèo lưới, cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng 7-8 giờ, chiều 16-17giờ), thức ăn có hàm lượng đạm trên 30%, cho cá điêu hồng ăn 3-5% trọng lượng thân, để đảm bảo cho cá phát triển tốt. Đến khi cá đạt trọng lượng 35-40 con/kg thì dùng lưới kéo chuyển cá sang lồng bè nuôi và tiếp tục cho cá ăn 2 lần/ngày, thức ăn có hàm lượng đạm 25-30%, cho cá ăn 3-4% trọng lượng thân. Thời gian còn lại cho cá ăn 2-3% trọng lượng thân. Để quản lý tốt nguồn thức ăn, ngoài việc cho cá ăn đúng yêu cầu kỹ thuật, người nuôi còn phải quan sát khả năng bắt mồi của cá trong từng giai đoạn, kết hợp với quan sát độ đục của nước để chủ động điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
Ngoài ra, người nuôi cần lưu ý vào các tháng nước sông bị đục nhiều (do mưa lớn - tháng 7, 8 và 9 âm lịch), cá điêu hồng còn nhỏ (dưới 200g/con) thường có dấu hiệu không khỏe mạnh. Lúc này, người nuôi nên trộn Vitamin C với liều lượng 30-50mg/kg thức ăn, men tiêu hóa cho cá ăn hàng ngày; dùng thuốc sát trùng Iodine loại nước (2-3ml/m3) tạt vào lồng 7-10 ngày/lần để phòng bệnh trắng mình, xuất huyết, đốm đỏ trên thân cá; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, vớt rác xung quanh lồng bè nuôi để dòng chảy được thông thoáng cho cá hô hấp, hạn chế thiếu oxy cục bộ.
Related news
Để nuôi cá lóc, nông dân ở xã Đại An (huyện Trà Cú) không chỉ vất vả đào ao mà họ còn phải cất công khoan giếng lấy nước ngọt nuôi cá. Sau hơn 4 tháng nuôi bà con thu về bạc 100 triệu, cao gấp 50 lần so với trồng lúa.
Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm không thả nuôi tôm trái vụ để cải tạo ao đầm, nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới, bất chấp rủi ro dịch bệnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả phân tích 8 mẫu tôm hùm bị bệnh lạ tại thôn Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) cho thấy, 8 mẫu đều phát hiện có trùng lông ký sinh; 7/8 mẫu nhiễm mấm Fusarium (tác nhân gây bệnh đen mang), 5/8 mẫu nhiễm vi khuẩn Vibrio (tác nhân gây hoại tử gan tụy), không phát hiện thấy vi khuẩn ký sinh nội bào Rickettsia-like (tác nhân gây bệnh sữa).