Thành Công Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính

Với kinh nghiệm 15 năm về nuôi và kinh doanh cá nước ngọt, mới đây anh Trần Danh Tựa, thôn 1, xã Trà Tân, huyện Đức Linh (Bình Thuận) đã thực hiện thành công mô hình ương giống cá rô phi đơn tính, mang lại lợi nhuận khá cao...
Quy trình nuôi phải kỹ lưỡng
Đức Linh là vùng đất khá phù hợp với nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Do vậy, việc xã hội hóa công tác giống thủy sản, bắt đầu từ những đối tượng đơn giản nhất, phù hợp với nhu cầu địa phương đang là mục tiêu hướng đến của chính quyền địa phương. Đặc biệt trong năm 2013, mô hình ương giống cá rô phi đơn tính thành công sớm hơn dự định, đã phần nào chứng minh xu hướng phát triển nuôi cá nước ngọt của người dân địa phương.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (KN-KN), mô hình ương giống cá rô phi đơn tính được thực hiện trên diện tích 700 m2 ao nuôi của gia đình anh Trần Danh Tựa, với sự hỗ trợ 30% chi phí thức ăn và 100% giống của trung tâm (trên 19 triệu đồng). Anh Tựa vừa là chủ trại cá giống, vừa là một trong những hộ nuôi cá nước ngọt có diện tích lớn, với 4 ha trên địa bàn xã Trà Tân. Những năm qua, anh đã luân canh nuôi thương phẩm nhiều loại cá như rô phi đầu vuông, cá lóc... Vì vậy, việc thực hiện mô hình ương giống cá rô phi đơn tính được coi là sự trải nghiệm mới trong quá trình nuôi thủy sản của gia đình.
Anh Tựa cho biết: “Quy trình thực hiện ương giống đòi hỏi tính kỹ lưỡng trong quá trình cải tạo ao nuôi và chăm sóc mới đảm bảo hiệu quả. Theo đó, khi chuẩn bị ao ương phải tát cạn nước, phơi đáy 5 ngày. Sau đó dùng vôi bột rải đều khắp đáy ao với lượng 120 kg/ 1.000m2. Tiếp tục lấy nước vào ao qua lưới lọc mịn...”.
Ở mô hình anh Tựa thực hiện, số lượng cá giống được thả là 140.000 con, với mật độ 200 con/m2. Đây là loại cá rô phi đơn tính 21 ngày tuổi, kích cỡ 10.000 con/kg. Thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp dạng bột mịn, sử dụng theo tỷ lệ phù hợp từng giai đoạn. Đến ngày 15 sau khi thả, cá con đạt từ 2 - 2,5 cm/con.
Lợi nhuận cao
Theo dự kiến, mô hình sẽ được nghiệm thu sau 2 tháng triển khai (tháng 6 - 7/2013), tuy nhiên do chăm sóc tốt, chỉ sau 1 tháng ương giống, tỷ lệ sống ước đạt khoảng 70%, cá đạt trọng lượng bình quân 4 - 5 gram/con, đạt kích cỡ xuất bán cá giống, sản lượng ước đạt 350 kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận gia đình anh Tựa thu được trên 9,7 triệu đồng/lứa.
Ngoài việc ương nuôi cá giống, anh Tựa cho biết thêm: Ưu thế nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm là do đặc điểm không sinh sản, nên giai đoạn từ khi thả giống đến lúc thu hoạch đã rút ngắn thời gian khoảng 1,5 tháng so với loại cá bình thường (chỉ 4,5 tháng/lứa thay vì 6 tháng/lứa).
Theo đó, sẽ giảm chi phí thức ăn, số lượng cá đồng đều về kích cỡ. Mặt khác, loại cá rô phi đơn tính thường ít bệnh, dễ nuôi, nên người dân có thể nhân rộng tại hộ gia đình và nâng cao hiệu quả vụ nuôi so cá rô phi thường. Hiện trại cá giống của anh Tựa đang xuất bán cá giống rô phi đơn tính cho bà con địa phương và các tỉnh lân cận với giá 120 ngàn đồng/kg (với khoảng 200 - 250 con/kg)...
Related news

Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu tổ chức trao giấy chứng nhận công nhận măng tây là rau an toàn cho Tổ hợp tác sản xuất măng tây (HTSXMT) xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Khi có giấy chứng nhận rau an toàn, măng tây sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.

Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).

Khoảng hai năm trở lại đây nhiều nông dân Cà Mau ồ ạt đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu. Nhưng giấc mơ đổi đời đã thất bại, sau một thời gian nuôi, cá sấu bị chết hàng loạt hoặc tắc đầu ra khiến họ trắng tay.