Prices / Tin nông nghiệp

Thái Lan đã làm gì để trở thành quốc gia xuất khẩu đường thứ 2 thế giới?

Thái Lan đã làm gì để trở thành quốc gia xuất khẩu đường thứ 2 thế giới?
Author: Thùy Trang (tổng hợp)
Publish date: Wednesday. December 6th, 2017

Thái Lan được xếp là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Hiện Thái Lan sản xuất khoảng 11 triệu tấn đường (chiếm 6% sản lượng của các quốc gia nổi bật). Tiêu dùng trong nước vào khoảng 2,8 triệu tấn, xuất khẩu 8,2 triệu tấn.

Thái Lan được xếp là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. (Ảnh: Reuters)

Toàn bộ sản lượng đường của Thái Lan được sản xuất ở Bắc Thái Lan (26%), Đông Bắc Thái Lan (44%) và khu Central (30%). Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu đường của Thái Lan đã được mở rộng rất nhiều.

Tại Thái Lan, ngành công nghiệp đường chịu sự giám sát và kiểm soát bởi Văn phòng Hội đồng Mía đường (OCSB) theo Đạo luật Mía đường năm 1984. Hội đồng quản lý lượng đường sản xuất theo hệ thống hạn ngạch, kiểm soát giá trong nước và quy định tỷ lệ phân phối doanh thu đường giữa nông dân và các nhà máy đường cũng như kiểm soát việc tham gia của những nhà máy đường mới trong ngành.

Chính phủ của quốc gia có diện tích 513.000 km2 luôn khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa gạo sang trồng mía bằng cách chấm dứt chương trình trợ cấp gạo và duy trì giá mía tăng. Đồng thời vận hành chính sách đường bảo hộ cao, với sự can thiệp đáng kể vào hầu hết các khía cạnh của ngành đường của nước này dựa trên chế độ đường của EU trước năm 2006.

Việc bán đường trong nước được kiểm soát và hạn chế bằng cách ấn định hạn ngạch hàng năm (Hạn ngạch A - 2,4 triệu tấn vào năm 2014). Đường sản xuất vượt quá lượng này không thể bán nội địa và phải được xuất khẩu (Hạn ngạch B và C).

Xuất khẩu hạn ngạch B (hiện đặt ra là 0,8 triệu tấn đường thô) được kiểm soát bởi Tổng công ty Mía và Đường Thái Lan chịu trách nhiệm chung về giá và bán. Giá trung bình từ việc bán đường hạn ngạch A và B xác định mức giá cuối cùng trả cho nông dân. Hạn ngạch C là phần sản xuất thặng dư phải được xuất khẩu, nhưng dưới sự chỉ đạo của từng công ty.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn quy định cả giá bán đường và giá mua mía. Giá tối thiểu được ấn định hàng năm cho việc bán trong nước của đường hạn ngạch A. Như trong niên vụ 2014/15, Chính phủ Thái Lan ấn định giá đường ở mức 530 USD/tấn - cao hơn 30% so với giá thị trường thế giới tại thời điểm lúc bấy giờ.

Riêng về giá mía, Thái Lan ấn định giá mía tối thiểu hàng năm cho người trồng mía. Điều này dựa trên doanh thu trung bình được dự báo từ doanh thu Hạn ngạch A và doanh thu xuất khẩu theo Hạn ngạch B. Nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía.

Trong trường hợp giá thấp hơn dự đoán, người trồng mía không phải trả lại thâm hụt, nhưng các nhà máy được bù đắp bởi Quỹ Mía và Đường do Nhà nước điều hành, được tài trợ từ thuế của Chính phủ và do Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp giải ngân.

Các khoản thanh toán bổ sung cho mía cũng có thể được cho phép. Như việc bổ sung thêm 5,3 USD/tấn mía đã được đưa ra vào năm 2013 bởi vì giá cả tại Thái Lan vào thời điểm đó thấp.

Các nhà máy đường mới phải chuẩn bị kế hoạch thu hoạch mía và trong năm đầu tiên công suất của họ không được dưới 50% công suất theo thiết kế. Hơn nữa, một nhà máy mới phải hoàn thành xây dựng trong vòng năm năm tính từ khi được phê duyệt.Thái Lan cho phép mở rộng thêm nhà máy mới, khuyến khích mở rộng vùng nguyên liệu và tăng công suất nhà máy. Từ tháng 4.2015, OSCB được giao nhiệm vụ phê duyệt việc xây dựng, di dời hoặc mở rộng các nhà máy đường (những vấn đề này trước đều qua Chính phủ phê duyệt).

Đã có 6 nhà máy mới đã được thành lập trước năm 2014 và theo chiến lược mía đường giai đoàn 2015 – 2016, Bộ Công nghiệp Thái Lan cũng đã phê duyệt mở rộng thêm 13 nhà máy đường mới với công suất ép trung bình 20 nghìn tấn mía/ngày.

Chính phủ nước này còn khuyến khích các nhà máy đẩy mạnh hoạt động R&D (research & development - nghiên cứu và phát triển) đối với cây mía và hỗ trợ trang bị các kiến thức đào tạo và các yếu tố cần thiết cho nông dân. Và đã đặt mục tiêu cải thiện tỷ lệ TCTS (tấn mía cho mỗi tấn đường) lên 8,9 so với mức 9,2 tấn mía trong giai đoạn 2013 - 2014 và 2014 - 2015 (tỉ lệ này càng thấp càng tốt).


Related news

Giống lạc đen CNC1 chất lượng cao Giống lạc đen CNC1 chất lượng cao

Giống lạc đen CNC1 có đặc điểm khác biệt với các giống lạc thường đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay là, vỏ hạt màu tím sẫm nên gọi lạc đen

Wednesday. December 6th, 2017
Xoài Việt Nam chính thức được vào thị trường Mỹ Xoài Việt Nam chính thức được vào thị trường Mỹ

Mỹ đã chính thức mở cửa thị trường cho trái xoài Việt Nam - thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C (Mỹ).

Wednesday. December 6th, 2017
Trồng dưa bao tử vụ đông, thu hơn 10 triệu đồng/2 sào Trồng dưa bao tử vụ đông, thu hơn 10 triệu đồng/2 sào

Vụ đông ở Hà Nam, ngoài những cây trồng truyền thống như ngô, bí xanh, rau các loại,còn có một loại cây trồng chủ lực đem lại kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc

Wednesday. December 6th, 2017