Tập Trung Xử Lý Bệnh Chồi Cỏ Mía Bằng Vôi Bột Ở Tân Kỳ (Nghệ An)
Bệnh chồi cỏ hại mía xuất hiện ở Tân Kỳ (Nghệ An) mới vài năm nay nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù ngành nông nghiệp Nghệ An đã thực hiện các mô hình để diệt chồi cỏ song hiệu quả không cao. Trước tình hình đó, Công ty mía đường Sông Con hướng dẫn nông dân xử lý bệnh bằng vôi bột, hiệu quả thấy rõ…
Vùng mía trải rộng ở Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Hoàn… của Tân Kỳ từ năm 2010 trở lại nay bị bệnh chồi cỏ trên 200 ha, nhiều diện tích nhiễm nặng với 20% diện tích so với diện tích của thửa ruộng. Gia đình ông Nguyễn Văn Diệu ở Kẻ Mui - Giai Xuân có 15 ha mía, ông cho hay đã áp dụng thuốc bảo vệ thực vật của Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An khuyến cáo nhưng không hiệu quả. Theo kinh nghiệm, ông rắc vôi bột nhiều hơn trong quá trình xử lý đất trước khi trồng mía (khoảng 500 kg/ha), hiệu quả là vùng mía mới trồng của ông không còn bị bệnh chồi cỏ. Nhiều gia đình khác thấy thế cũng làm theo và kết quả là mía phát triển tốt hơn, đạt năng suất từ 70 - 80 tấn/ha.
Từ kinh nghiệm của bà con đúc kết, kết hợp với cách chăm bón phòng trừ, Công ty mía đường Sông Con đã hỗ trợ vôi bột cho người trồng mía bị bệnh chồi cỏ nặng ở Tân Kỳ với số lượng 500 kg/ha, phân phức hợp hữu cơ vi sinh 2000 kg/ha để trồng mới mía, đồng thời yêu cầu các hộ nông dân tiêu hủy toàn bộ diện tích mía bị nhiễm nặng và trồng lại, tránh lây lan bệnh. Còn đối với diện tích bị nhiễm nhẹ, yêu cầu nông dân tiêu hủy những khóm mía bị bệnh, công ty hỗ trợ 300 đồng/khóm.
Ông Trương Hải Hồ một hộ trồng mía lâu năm ở Tân Kỳ cho rằng: cày sâu, lấy hết gốc mía cũ ra và đốt sạch cũng là cách để hạn chế bệnh chồi cỏ. Sau khi đào lấy hết gốc mía cũ, tiến hành rải vôi bột lên trên và bừa kỹ trước khi trồng mía mới. Trồng mía mới cũng không nên lấy phần gốc mà chỉ dùng mía ngọn hoặc từ nửa cây phần trên để trồng, còn phần dưới là mía thịt, cũng hạn chế được bệnh chồi cỏ.
Ông Nguyễn Bá Qúy - Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Sông Con cho biết: Nhà máy sẵn sàng cho nông dân vay vôi với định mức 5 - 8 tạ/ha để xử lý chồi cỏ. Căn cứ vào qui trình xử lý bệnh chồi cỏ và qui trinh trồng mía, cán bộ nông vụ hướng dẫn các đơn vị, cá nhân trồng mía nghiêm túc thực hiện. Nếu người trồng mía không thực hiện tốt dập dịch chồi cỏ thì giá mía bị nhiễm bệnh sẽ bị trừ 20% so với giá Công ty qui định tại thời điểm.
Hiện nay Tân Kỳ đã xử lý được 160 ha mía bị bệnh, phần lớn là tiêu hủy, trồng lại. Nhưng cách phòng trừ diệt mầm bệnh chồi cỏ bằng vôi bột nồng độ cao ở Tân Kỳ khi trồng mía đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và được người nông dân ghi nhận.
Có thể bạn quan tâm
Một trong những bài học đắt giá cần được rút ra từ nạn thương lái Trung Quốc tranh mua nguồn tôm nguyên liệu vừa qua, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bỏ quên người nông dân; đồng thời vai trò của ngành quản lý chưa được phát huy. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gian thương và thương lái nước ngoài câu kết trục lợi.
Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Bình.
Hiện nay tại xã Tân Lập I, huyện Tân Phước (Tiền Giang) có trên 22 hộ trồng gấc với diện tích là 3,5 ha, trong đó đã có 15 hộ cây gấc đã cho thu hoạch trái, số hộ còn lại mới vừa trồng loại cây này. Được biết hiện nay giá gấc đang được thương lái thu mua với giá khá cao, trọng lượng trái gấc từ 800 gram trở lên có giá 15.000 đồng/kg, còn nhẹ hơn thì dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.