Prices / Tin nông nghiệp

Tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất hạt giống lúa lai F1

Tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất hạt giống lúa lai F1
Author: PGS.TS Nguyễn Thị Trâm
Publish date: Thursday. June 10th, 2021

Sản xuất hạt giống lúa lai F1 rất tinh vi, tỉ mỉ, phải làm thủ công ở nhiều công đoạn. Tuy nhiên cơ giới hóa giúp việc sản xuất ngày càng thuận lợi

Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất hạt lai F1 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Ảnh: TL.

Khi một tổ hợp lai được lựa chọn để sản xuất tại một vùng trong 1 vụ nhất định thì trước tiên, cần bố trí thí nghiệm đồng ruộng để theo dõi sinh trưởng, phát triển của dòng bố và dòng mẹ thật chi tiết về quá trình đẻ nhánh, ra lá, thời điểm trỗ bông nở hoa, tung phấ. Kèm theo đó, phải ghi chép những diễn biến của điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ, ẩm độ, gió, mưa, nắng tại thời điểm trỗ bông, nở hoa, thụ phấn của cặp bố mẹ.

Kết quả theo dõi giúp cho việc thiết lập quy trình sản xuất chính xác về thời vụ và quan trọng nhất là điều khiển lịch gieo cấy để bố mẹ đạt được trỗ bông nở hoa trùng khớp. Quy trình được thiết lập thường chỉ đúng cho 1 tổ hợp lai nhất định tại một vùng trong một vụ nhất định.

Khi chuyển đến vùng hoặc vụ khác, điều kiện ngoại cảnh thay đổi thì lại phải theo dõi để điều chỉnh hoàn thiện lại quy trình, giúp đạt năng suất hạt lai cao. Khi mới tiếp thu công nghệ, người ta mới chỉ nghĩ đến việc cơ giới hóa làm đất, chuyên chở vật tư, lúa mới gặt, tuốt lúa, phơi sấy, đóng bao, nhập kho. Còn rất nhiều khâu như cấy bố mẹ, chăm sóc, phun điều hòa sinh trưởng, gạt phấn, gặt bố mẹ đều phải làm thủ công.

Muốn tăng tỷ lệ cơ giới hóa, phải tổ chức sản xuất hạt lai trên diện tích rộng. Khi doanh nghiệp và chính quyền địa phương thỏa thuận được với người dân dồn điền đổi thửa được nhiều ruộng đất thì doanh nghiệp mới có thể thiết kế lại đồng ruộng, làm bờ vùng, bờ thửa phù hợp cho việc tưới tiêu nước, phù hợp cho các loại máy (làm đất, cấy, gặt, chuyên chở) vận hành thuận lợi.

Một việc quan trọng nữa là phải tìm được ít nhất 1-2 giống lúa lai tốt, có thị trường tiêu thụ rộng và ổn định hàng năm, ít nhất từ 100 đến hàng ngàn tấn thì sản xuất lớn mới có lãi. Vì vậy doanh nghiệp phải tìm được nhà chọn giống có giống tốt, có năng suất hạt lai cao và muốn hợp tác mở rộng sản xuất.

Một giống lúa lai tốt được chấp nhận có thể sản xuất hạt giống F1 liên tục trong nhiều năm với diện tích tăng dần để có đủ lượng hạt lai cung cấp cho nông dân. Như vậy có cánh đồng lớn, với điều kiện cách ly không gian tốt, mới chủ động sản xuất và duy trì được chất lượng hạt giống.

Người sản xuất trên cánh đồng lớn sẽ có điều kiện rèn luyện tay nghề để sản xuất có năng suất hạt F1 cao và đảm bảo chất lượng.

Công ty TNHH Cường Tân tại Trực Ninh, Nam Định là đơn vị đầu tiên tổ chức sản xuất hạt lai F1 trên diện tích rộng. Những năm đầu, công ty mới dồn điền đổi thửa được khoảng 30 ha, chỉ sản xuất hạt lai 1 vụ, sau đó công ty mua thêm giống lai mới để sản xuất 2 vụ (vụ mùa làm lúa lai 2 dòng, vụ xuân làm lúa lai 3 dòng).

Sau khi thấy hiệu quả rõ, nông dân xung quanh tự nguyện cho công ty thuê thêm ruộng, làm cho cánh đồng ngày càng rộng hơn. Khi diện tích sản xuất mở rộng đến 300-400 ha, vấn đề lao động thời vụ (khi cấy và gặt) trở nên hết sức khó khăn.

Lực lượng lao động trẻ ở nông thôn hiện nay bị thu hút ra thành phố, hoặc vào các khu công nghiệp, số còn lại chủ yếu ở độ tuổi trung niên trở lên, đa số là phụ nữ, trẻ em, người có sức khỏe kém, trình độ văn hóa thấp.

Sản xuất hạt lai cần số lượng lao động tập trung lớn nhất ở một số thời điểm là: Cấy, phun hóa chất điều hòa sinh trưởng, thụ phấn bổ sung và gặt. Sản xuất hạt lai bắt buộc phải cấy xen hàng lúa mẹ bất dục để nhận phấn ngoài (14-16 hàng tùy tổ hợp) với 2 hàng lúa bố cho phấn.

Số hàng mẹ nhiều, phải tốn nhiều công cấy hơn, phải dùng máy cấy, hàng của máy cấy quá rộng (cách nhau 30cm) nên phải tính số lượng hàng vừa phù hợp với cỡ máy, vừa phù hợp với khả năng truyền phấn từ dòng bố sang dòng mẹ.

Số hàng bố ít (2 hàng cho 1 luống) nên có thể bố trí cấy tay. Đưa máy cấy vào đã giải quyết tốt việc cấy đúng thời vụ. Khâu tiếp theo là phun hóa chất điều hòa sinh trưởng cũng rất cần hỗ trợ của máy để đảm bảo thời điểm phun chính xác. Nếu lao động thủ công, không thể đảm bảo chính xác cho toàn bộ diện tích sản xuất.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lúa lai đã cải tiến máy phun bán thủ công với bình đựng hóa chất có dung tích khoảng 200-300 lít, lắp 1 vòi phun với dây phun dài khoảng 200m để kéo hết chiều dài thửa ruộng, với 3 người vận hành bộ dụng cụ này thì diện tích phun trong ngày tương đương với 10 lao động phun bình máy thông thường.

Khâu quan trọng nữa là thụ phấn bổ sung. Chiều rộng thửa ruộng được thiết kế 20-25m, có bờ rộng đủ để đi được xe máy kéo dây gạt phấn vừa nhanh, vừa giảm mệt mỏi cho người lao động. Sau khi thụ phấn bổ sung, tiến hành gặt bỏ ngay 2 hàng lúa bố.

Do lúa bố còn non, không lấy thóc được nhưng có thể thu về làm thức ăn cho trâu bò, cá hoặc ủ làm phân xanh. Nếu thiếu công lao động có thể rải ngay trên hàng, khi đó ruộng còn nước nên thân lúa sẽ chìm và thối rữa, sẽ tăng lượng mùn cho ruộng.

Hàng lúa mẹ sau khi gặt bỏ bố sẽ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển, người đi khử lúa lẫn sẽ dễ dàng. Khi lúa chín, tiến hành gặt bằng máy, tập kết bao lúa lên bờ để chở về trạm cân, cân và ghi chép số liệu thóc tươi, sau đưa sang nhà máy sấy, quạt, đóng bao, nhập kho vô cùng nhanh gọn, thuận lợi và đảm bảo chất lượng hạt giống.

Hiện nay, Công ty TNHH Cường Tân có cánh đồng lớn trên 400ha sản xuất hạt lai F1 các giống lúa lai 2 dòng TH3-3, TH3-7, TH6-6 (Lai thơm 6), và 3 dòng CT16, Nhị ưu 838 và MV2. Theo giám đốc Công ty Đoàn Văn Sáu, đây là một mô hình sản xuất hạt lai F1 với tỷ lệ cơ giới hóa rất cao, khoảng trên 90%. Trong điều kiện bình thường, chi phí cho 1ha sản xuất hạt lai hết từ 38-40 triệu đồng/vụ. Nông dân bán toàn bộ sản phẩm cho công ty, thu được từ 90-95 triệu đồng tùy theo từng hộ, lãi bình quân trên 50 triệu đồng/ha/vụ.

Tổ chức sản xuất hạt lai F1 theo mô hình này giúp hạ giá thành sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng hạt lai, mở đường cho lúa lai nội phát triển bền vững.


Related news

Cần quy trình khoa học cho thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật Cần quy trình khoa học cho thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Thiết bị bay phun thuốc BVTV không hoàn toàn là giải pháp hoàn hảo. Vì vậy, cần sớm có nghiên cứu bài bản, khoa học về quy trình áp dụng các thiết bị này.

Thursday. June 10th, 2021
Nuôi lươn không bùn, lãi chục triệu đồng mỗi tháng Nuôi lươn không bùn, lãi chục triệu đồng mỗi tháng

Anh Lê Thành Luân – SN 1993 ở thôn 4, xã Quang Diệm (Hương Sơn – Hà Tĩnh) thời gian gần đây đã mạnh dạn đầu tư nuôi lươn không bùn, mỗi năm lãi 150 triệu đồng.

Thursday. June 10th, 2021
Lai thơm 6, giống lúa lai chất lượng cao của Việt Nam Lai thơm 6, giống lúa lai chất lượng cao của Việt Nam

Là giống lúa lai có chất lượng gạo, cơm tốt nhất hiện nay trong số các giống lúa lai được chọn tạo trong nước.

Thursday. June 10th, 2021