Prices / Tin thủy sản

Tăng cường phòng chống rét cho thủy sản nuôi

Tăng cường phòng chống rét cho thủy sản nuôi
Author: Bảo Hân
Publish date: Wednesday. February 26th, 2020

Ngày 24/12/2019, Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 2881/TCTS-NTTS về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Một số biện pháp tránh rét cho thủy sản (Ban hành kèm theo Công văn này)

Nội dung Công văn nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp, hiện tại thời tiết rét đậm, rét hại đã và đang diễn ra tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng và phát triển thủy sản nuôi. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiếp, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho NTTS; đồng thời đảm bảo tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi năm 2020, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất và chủ động triển khai một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:

- Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống rét cho thủy sản nuôi của các đơn vị, địa phương. Phân công trách nhiệm cho các cán bộ, lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống rét.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống rét cho thủy sản nuôi.

- Thường xuyên cập nhập, phổ biến, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin diễn biến không khí lạnh, biện pháp chống rét cho cơ sở sản xuất giống thủy sản, lưu giống, nuôi thương phẩm để tránh bị thiệt hại, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường, nhất là Tết Nguyên đán.

- Rà soát nhu cầu con giống, khả năng sản xuất giống tại chỗ, xây dựng kế hoạch và có các giải pháp chủ động con giống đáp ứng nhu cầu nuôi trong năm 2020, nhất là các tháng đầu năm 2020.

- Chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi và phòng chống dịch bệnh cho thủy sản.

- Trong trường hợp rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại lớn cần tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi theo chính sách tại Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

1. Chỉ tổ chức NTTS trong điều kiện giá rét đối với cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện, có thể chủ động các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản;

2. Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng…;

3. Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như các rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng… chỉ đạo, tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét;

4. Đối với diện tích thủy sản đang nuôi (thủy sản chưa đạt cỡ làm thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống) cần khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp chống rét:

- Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu 1,5 - 2 m để ổn định nhiệt độ.

- Thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thủy sản trú ẩn tránh rét, sọt được đặt ở góc phía Bắc ao nuôi.

- Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu (nếu đủ điều kiện) hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi.

- Di chuyển lồng bè đến nơi ít gió hoặc thả sâu lồng nuôi 1,8 - 2 m.

- Cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần phù hợp, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 150 thì ngừng cho ăn, vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

- Định kỳ dùng CaO, liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 (1 lần/tháng) bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá.

5. Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến điều kiện tự nhiên, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. 


Related news

Leucine tối ưu và vai trò trên cá nuôi Leucine tối ưu và vai trò trên cá nuôi

Nghiên cứu này chỉ ra rằng mức độ leucine trong chế độ ăn tối ưu đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự phát triển

Wednesday. February 26th, 2020
Giải pháp quản lý chất thải ao nuôi thủy sản Giải pháp quản lý chất thải ao nuôi thủy sản

Xử lý chất thải ao nuôi thủy sản là công việc luôn được quan tâm hàng đầu, nhằm giúp vật nuôi phát triển một cách khỏe mạnh.

Wednesday. February 26th, 2020
Vì một ngành tôm bền vững Vì một ngành tôm bền vững

Là lĩnh vực mũi nhọn của ngành thủy sản, nhưng sản xuất tôm tại Việt Nam gặp không ít thách thức cho sự phát triển; theo đó, rất cần những giải pháp tháo gỡ

Wednesday. February 26th, 2020