Giá / Mô hình kinh tế

Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai)

Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai)
Tác giả: 
Ngày đăng: 06/04/2013

Những năm trước đây ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú - Đồng Nai) từng xảy ra tình trạng nông dân trồng bắp nhưng đến mùa thu hoạch lại không có hạt, khiến nhiều người điêu đứng. Gần đây, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra ở các xã Tà Lài và Phú Lập (huyện Tân Phú - Đồng Nai). Nhiều ruộng bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt.

Anh Trần Hoàng Lân ở ấp 1, xã Phú Lập đã xuống giống 7 sào bắp, trong đó 5 sào giống NK72 và 2 sào giống NK67 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Những năm trước, với diện tích này, anh trồng các giống bắp như CP888, C919 cho hiệu quả kinh tế cao, với năng suất từ 8 - 10 tấn/hécta.

* Trái to nhưng không có hạt

Năm nay, được nhiều người giới thiệu giống bắp NK72, NK67 của Công ty TNHH Syngenta là giống mới có năng suất cao nên anh quyết định trồng hết diện tích ruộng của gia đình. Với kinh nghiệm trồng bắp nhiều năm, ruộng bắp của anh Lân phát triển bình thường, cho cây cao, khỏe và những trái bắp ra to đều. Trớ trêu thay, khi tới ngày thu hoạch, anh Lân bóc thử thì thấy không có hạt hoặc có cũng chỉ được vài ba hạt. Anh tiếp tục bóc thử trên diện rộng, và đều cho kết quả như nhau.

Anh Lân nói: “Vụ đông - xuân năm nay, tôi đầu tư và chăm sóc rất kỹ, bao nhiêu vốn và công sức đều đổ dồn cho 7 sào bắp này, hy vọng năm nay bắp sẽ đạt năng suất 11 tấn/hécta. Nhưng ai ngờ lại xảy ra hiện tượng bắp không hạt. Còn 2 sào giống bắp NK67 chưa tới ngày thu hoạch, không biết có hạt hay không”.

Không chỉ riêng ruộng bắp của anh Lân bị hiện tượng này mà nhiều hộ nông dân khác ở xã Phú Lập trồng 2 giống bắp này đều chung tình trạng. Ông Đinh Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lập cho biết: “Vụ đông - xuân năm nay, Phú Lập đã chuyển đổi 45 hécta lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Tuy nhiên, đến nay toàn xã đã có khoảng 16 hécta bị hiện tượng bắp không hạt và thưa hạt, chủ yếu là giống NK72 và NK67 của Công ty TNHH Syngenta. Ngoài ra, còn nhiều nơi khác cũng trồng 2 giống bắp này nhưng chưa tới ngày thu hoạch nên chưa biết kết quả”.

* Hiện tượng bắp “quái”

Điều lạ là mặc dù trên cùng một đồng ruộng nhưng khi trồng các loại giống bắp khác, như: CP888, 333 thì cây bắp vẫn cho trái to, hạt đều. Trong khi đó, ở 2 giống bắp NK72 và NK67, không những trái không có hạt mà còn xảy ra hiện tượng bắp “quái”. Chị Nguyễn Thị Nhàn ở ấp 5, xã Phú Lập cho biết: “Cũng như mọi năm, tôi vẫn trồng giống bắp NK67 nhưng năm nay hầu hết bắp đều cho trái không tạo hạt, chỉ trơ cùi trắng. Không những vậy, có những cây bắp đẻ ra nhiều nhánh, trái bắp tạo hoa với hình thù rất kỳ quái, mặc dù cây phát triển tốt. Từ lúc trồng bắp đến giờ, tôi chưa hề thấy giống bắp nào cho trái kỳ dị như thế”. Cũng theo chị Nhàn, nếu những năm trước, vườn bắp cho thu hoạch từ 2 - 2,5 tấn bắp khô thì năm nay hoàn toàn mất trắng, trong khi đó chị Nhàn đã bỏ ra đã trên 6 triệu đồng để đầu tư. Không chỉ ở Phú Lập mà tại xã Tà Lài cũng xảy ra hiện tượng bắp không hạt. Hàng chục hộ nông dân ở hai địa phương này đều điêu đứng trước tình trạng này. Nhiều người còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi bị mất trắng mùa vụ, không có tiền để chi trả chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thiếu vốn để tái sản xuất.

Trước tình trạng bắp không hạt nói trên, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH Syngenta đã khảo sát, đánh giá tình hình để tìm ra nguyên nhân. Nói về hiện tượng bắp không hạt và bắp “quái”, đại diện Syngenta cho rằng do nông dân xuống giống không đúng thời vụ, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo, cây bắp thụ phấn vào thời điểm khô hạn nặng dẫn đến tình trạng bắp không có hạt. Tuy nhiên, hầu hết nông dân đều không đồng tình với cách giải thích này bởi một số giống bắp khác được trồng cùng thời điểm trên cùng một diện tích lại cho năng suất cao.

Hiện tượng bắp không hạt ở huyện Tân Phú lại một lần nữa không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân mà còn là điều cảnh báo về chất lượng giống cây trồng.

Chỉ bồi thường 25 triệu đồng?

Trả lời về việc nhiều diện tích bắp sử dụng giống NK72 và NK67 tại xã Phú Lập (huyện Tân Phú) thưa hạt hoặc không có hạt theo phản ánh của người dân và chính quyền xã, ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú cho biết, huyện đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Công ty TNHH Syngenta kiểm tra những diện tích bắp không hạt của xã Phú Lập. Qua kiểm tra, diện tích bắp thưa và không hạt chiếm hơn 8 hécta. Với những ruộng bắp thưa hoặc không hạt, phía Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết sẽ bồi thường 25 triệu đồng gồm tiền giống, phân bón và một số chi phí khác cho các hộ dân. Số tiền này sẽ được chi trả cho người dân bị thiệt hại vào ngày 4-4-2013.

Đại diện phía Syngenta cho biết, với những diện tích bắp không hạt, thưa hạt có sử dụng giống của công ty, công ty sẽ xuống tận nơi tìm hiểu nguyên nhân. Nếu thực sự nông dân trồng bắp bị thiệt hại do giống, công ty sẽ chịu trách nhiệm và có hỗ trợ thiệt hại để giảm bớt khó khăn cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Phú Thọ Đã Gieo Cấy Gần 30 Nghìn Ha Lúa Mùa Phú Thọ Đã Gieo Cấy Gần 30 Nghìn Ha Lúa Mùa

Đến ngày 3-7, Phú Thọ đã gieo cấy được gần 30.000ha lúa mùa. Gieo trồng cây màu: Ngô 2.548 ha; lạc 795 ha; đỗ tương 300 ha; rau 2.006,1 ha.

06/04/2013
Thanh Thủy Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Lúa Tái Sinh Thanh Thủy Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Lúa Tái Sinh

Lúa tái sinh, lúa chét, lúa gie… tùy theo cách gọi của từng địa phương, nhưng đều có đặc điểm chung là tận dụng ruộng đã thu hoạch vụ trước, chăm sóc để cây lúa tái sinh, sau khoảng 40-45 ngày thì thu hoạch. Tuy năng suất không cao bằng lúa chính vụ, nhưng với khoảng thời gian ngắn, lại không phải đầu tư giống, công gieo cấy, mỗi sào chỉ bón ít phân là cho thu hoạch.

06/04/2013
Ông Tạ Thành Công Trong Nuôi Cá Hồi Tại Mẫu Sơn Ông Tạ Thành Công Trong Nuôi Cá Hồi Tại Mẫu Sơn

Như đã thành thông lệ, cứ vào những ngày cuối tuần, du khách trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn lại nô nức kéo lên tham quan nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Mẫu Sơn (DLMS).

06/04/2013