Tác động của lúa đến N2O và NH3 trong ao nuôi tôm cá
Một báo cáo mới đây vừa cho thấy bằng chứng về vai trò của lúa đối với nền đất nuôi tôm cá.
Lúa có vai trò quan trọng trong cải thiện dinh dưỡng nền đáy ao nuôi tôm cá. Ảnh: sciencedirect
Mô hình tôm lúa cá ở Việt Nam
Việc nuôi luân canh 1 vụ lúa 1 vụ tôm/cá hay mô hình kết hơp tôm lúa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Với mô hình lúa cá, khi thu hoạch lúa vụ hè thu sớm (vụ 2) xong, nông dân bắt đầu chuẩn bị ao mương chiếm 15 - 20% của diện tích ruộng để thả cá, có thể tận dụng ao có sẵn tiếp giáp ruộng cải tạo lại và chỉ đào thêm mương bao xung quanh ruộng. Song song với việc chuẩn bị mương thả cá thì chuẩn bị ruộng để sạ vụ hè thu chính vụ (vụ 3). Lúa sạ thưa theo hàng hoặc cấy. Khi lúa hoàn tất giai đoạn đẻ nhánh khoảng 30 ngày bơm nước vào để cá lên ruộng ăn sâu rầy và cá cung cấp phân cho lúa. Mô hình lúa cá hiệu quả khi được thực hiện với tỉ lệ 20/80 nghĩa là cứ 1.000ha đất ruộng sẽ có 800ha để cấy lúa và 200ha để đào ao, mở rộng kênh rạch thả cá.
Ở Bạc Liêu mô hình tôm - lúa chủ yếu được nông dân áp dụng phổ biến là vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm sú, đến mùa mưa, nông dân lại lấy nước ngọt vào trồng lúa. Hình thức nuôi tôm chủ yếu là thu tỉa thả bù, vụ tôm thả từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 1,5 tháng, mật độ tổng thả 2 - 3 con/m2. Giống lúa sử dụng trong mô hình là giống chịu mặn.
Lúa được trồng trong mùa mưa, từ tháng 8 và thu hoạch sau hơn 3 tháng đến 4,5 tháng theo giống lúa cao sản hay lúa mùa. Lúa cao sản thường được gieo sạ trong khi lúa mùa được cấy và nhờ có thời gian mạ được gieo trước đó để rút ngắn thời gian lúa trên đồng ruộng. Các giống lúa phổ biến trong năm 2010 gồm các giống cao sản OM2517, OM1940, F1 Mỹ, Thần nông và các giống lúa mùa gồm Sóc Trăng, Đức Hòa, Ba bụi, Lùn đỏ, Một bụi đỏ…
Lợi thế của mô hình lúa tôm, lúa cá
Sau mỗi vụ nuôi, các chất hữu cơ, bùn thải lắng đọng rất nhiều trong ao. Đây là nguồn dịnh dưỡng tốt cho cây lúa. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng sẽ làm cho môi trường sạch hơn. Đồng thời gốc rạ sau khi thu hoạch là nơi sinh sôi, trú ngụ của các loài sinh vật, cung cấp nguồn thức ăn cho tôm con và cá con phát triển. Nuôi tôm sau vụ lúa, nền đáy ruộng nuôi đã được khoáng hóa, hạn chế được tình trạng đất bị lão hóa do ngập mặn lâu dài; đồng thời cắt mầm bệnh trong ruộng nuôi khi trồng lúa, môi trường nuôi ổn định nên khi nuôi tôm không phải sử dụng đến kháng sinh, hóa chất.
Để làm rõ tác động của lúa môi trường nước và các chu trình dinh dưỡng trên vuông tôm, Fengbo Li và cộng sự 2018 đã nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống lúa-cá / tôm đến sự bốc hơi của khí N (N2O, NH3) trong ao nuôi tôm cá thâm canh.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xây dựng một hệ thống mới canh tác lúa-tôm, lúa-cá bằng cách sử dụng một giống lúa được phát triển đặc biệt, và thực hiện thí nghiệm thực địa 2 năm để nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống này đối với phát thải N2O và NH3 từ ao nuôi 1 loài cá da trơn (cá lăng) và ao nuôi tôm nước ngọt.
Kết quả cho thấy các hệ số phát thải trung bình của khí N2O và NH3 là 0,18% và 0,89% đối với ao nuôi cá thâm canh, và 2,46% và 13,45% đối với ao nuôi tôm thâm canh, tương ứng.
Hệ thống kết hợp trồng lúa và nuôi cá/tôm lần lượt giảm lượng phát thải N2O, NH3 xuống 96,9% và 24,3% tương ứng. Và kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hệ thống nuôi cá da trơn kết hợp trồng lúa có hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu khí N so với ao nuôi tôm.
Mô hình kết hợp lúa-cá / tôm giúp giảm thiểu phát thải N2O và NH3 nền đất đồng thời giúp cải thiện môi trường đất nhờ đó vụ nuôi tôm/cá sau sẽ ổn định hơn. Tổng lượng N2O và NH3 giảm đi rất nhiều khi trồng lúa kết hợp nuôi cá/tôm, so với ao nuôi thâm canh tôm cá.
Nghiên cứu của Fengbo Li và cộng sự 2018 đã cho thấy bằng chứng thuyết phục về sự cải thiện chất lượng nền đáy trong ao nuôi tôm, từ đó chứng minh được rằng mô hình lúa tôm, lúa cá là mô hình bền vững và thân thiện với môi trường.
Related news
Với hiệu quả cây ổi lê đem lại, hiện nay một số hộ trong xã Trung Sơn đã đào hố, ủ phân, chờ đến cuối tháng 11 âm lịch sẽ xuống giống trồng ổi.
Chiếc máy gieo hạt của anh Đỗ Tuấn, 43 tuổi, hội viên nông dân thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) được chế tạo từ máy bơm nước
Bao trái trước thu hoạch bắt đầu phát triển mạnh với việc sử dụng các bao vật liệu có sẵn trong nước và nhập khẩu.