Giá / Tin nông nghiệp

Sử dụng phân bón vi sinh thế nào?

Sử dụng phân bón vi sinh thế nào?
Tác giả: Ks. Cận
Ngày đăng: 31/05/2018

Muốn đạt hiệu quả cao khi sử dụng thì trong quá trình bón phân vi sinh nên hạn chế bón phân hoá học...

Phân vi sinh là các chế phẩm chứa các vi sinh vật sống có hoạt lực cao đã được tuyển chọn. Thông qua các hoạt động, các vi sinh vật tạo ra các chất dinh dưỡng cho đất và cây trồng làm cho cây trồng phát triển tốt hơn.

Thông qua việc bón phân vi sinh chúng ta đã cung cấp vào trong đất các vi sinh vật phân giải đạm, lân có tác dụng như những nhà máy sản xuất phân đạm, phân lân hoá học ngay trong đất để trực tiếp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Sử dụng phân vi sinh có thể thay thế được lượng phân đạm và phân lân hoá học từ 50 đến 100% tuỳ theo từng loại cây trồng. Hơn thế khi sử dụng phân vi sinh nông sản không bị nhiễm độc, lượng độc tố NO3 tồn đọng trong sản phẩm giảm đáng kể. So với phân hoá học, đặc biệt là phân urê thì giá phân vi sinh rẻ hơn do đó hiệu quả thu được cũng cao hơn.

Phân vi sinh có thể dùng để bón cho tất cả các loại cây trồng từ cây ăn quả, chè, lúa, ngô, rau xanh đến cây cảnh... đều rất tốt. Do tác dụng chậm hơn so với phân hoá học nên đối với các loại cây trồng ngắn ngày, phân vi sinh chủ yếu được dùng để bón lót nhiều hơn là bón thúc. Các loại cây thu hoạch theo mùa vụ thì sau mỗi đợt thu hoạch cần bón bổ sung. Khi bón phân vi sinh cho cây ăn quả bà con nên bón vào 2 thời kỳ mưa xuân (tháng 3-4) và mưa ngâu (tháng 7-8) để tận dụng độ ẩm của các đợt mưa này giúp các vi sinh vật hoạt động tốt hơn.

Cách bón: với cây ăn quả và cây lâu năm bón theo hình chiếu tán cây sau khi cuốc và xới nhẹ xung quanh gốc cây, rắc phân và lấp một lớp đất mỏng phủ lên trên với liều lượng từ 1-2kg/gốc cây. Với cây chè bón vào rãnh giữa 2 luống chè với lượng 0,2-0,3kg/gốc. Với cây lúa bón 10kg/sào Bắc bộ có thể giảm được 50% phân urê và phân lân (sử dụng bón lót và sau khi làm cỏ đợt 1). Với cây mạ, nên trộn đều với mầm mạ trước khi gieo (2kg/sào mạ cấy). Với ngô, bón lót trước khi gieo hạt với lượng 10kg/sào Bắc bộ cùng với 50% lượng phân urê và 50% phân lân theo qui trình. Khi ngô có từ 3-4 lá, bón tiếp 10kg/sào Bắc bộ phân vi sinh và tiến hành vun gốc.

Với cây rau, chủ yếu dùng để bón lót (10-15kg/sào Bắc bộ) thay thế được từ 50-100% lượng phân urê và phân lân. Với các loại rau ăn lá phân vi sinh có thể thay thế được 50%, rau ăn củ 70% và rau ăn quả 100% lượng phân urê. Nếu trồng cây cảnh trong chậu, bà con trộn 1kg phân vi sinh với 2-3kg đất bột để bón cho 10 chậu cây và luôn giữ ẩm cho đất thì phân vi sinh mới phát huy tác dụng.

Một số lưu ý khi sử dụng phân vi sinh: Muốn đạt hiệu quả cao khi sử dụng thì trong quá trình bón phân vi sinh nên hạn chế bón phân hoá học. Phân vi sinh gồm các vi sinh vật sống hoạt động nên không thể để lâu được, bảo quản nơi thoáng mát: mùa hè 1 tháng, mùa đông 1,5 tháng. Khi bón cần luôn giữ đủ độ ẩm đất cần thiết để các vi sinh vật trong phân vi sinh hoạt động tốt. Với các loại đất chua cần phải bón vôi bột trước 2-3 ngày rồi mới được bón phân vi sinh. Không trộn phân vi sinh với phân hoá học và tro bếp khi sử dụng sẽ làm chết vi sinh vật.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 2) Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 2)

Sapo dễ trồng, ít sâu bệnh, không kén đất, có thể trồng trên đất bị nhiễm chua, nhiễm mặn hoặc những gò đồi khô hạn, thiếu nước. Cây có quả ổn định

31/05/2018
6 xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp 6 xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trong các nghiên cứu gần đây, để đáp ứng nhu cầu lương thực cho con người, sản lượng nông nghiệp phải tăng 60% vào năm 2030.

31/05/2018
Nhân rộng những mô hình cam VietGAP ở Hàm Yên Nhân rộng những mô hình cam VietGAP ở Hàm Yên

VietGAP là tên viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

31/05/2018