Giá / Tin nông nghiệp

Nhân rộng những mô hình cam VietGAP ở Hàm Yên

Nhân rộng những mô hình cam VietGAP ở Hàm Yên
Tác giả: Hải Dương
Ngày đăng: 31/05/2018

VietGAP là tên viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Đây là tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp an toàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ năm 2008.

Mô hình trồng cam VietGAP tại tổ nhân dân Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).

Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng mô hình thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô 5 ha với 7 hộ dân tham gia tại thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cam đạt năng suất, chất lượng, quả to đều. Kết thúc mô hình cả năm 7 hộ tham gia đều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên. 

Mô hình tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện và được đông đảo người trồng cam hưởng ứng. Vào vườn cam sạch của gia đình ông Lê Quý Đáng, tổ nhân dân Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên mới thấy hết được ý thức của người trồng cam trong việc tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật VietGAP. Ông Đáng cho biết: Đầu năm 2016, khi chính quyền địa phương có chủ trương hỗ trợ triển khai mô hình VietGAP tại Đồng Bàng, ông là người tiên phong trồng cam VietGAP, đồng thời vận động người dân cùng trồng. Gia đình ông có 1 ha cam VietGAP, năm 2016, 2017 đã cho thu hoạch, chất lượng cam rất ngọt và năng suất đều. Hiện tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP Đồng Bàng gồm 11 người với tổng diện tích là 18,5 ha. Cam được sản xuất theo chuẩn VietGAP nên sản phẩm thu hái đến đâu đều được các công ty, doanh nghiệp và thương lái đặt mua đến đấy.

Chị Lương Thị Hằng, thôn 2, xã Bằng Cốc cũng chuyển đổi thành công mô hình trồng cam truyền thống sang mô hình trồng cam theo chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam VietGAP, chị Hằng phấn khởi cho biết: Để trồng được quả cam ngon, đáp ứng được chuẩn VietGAP, người trồng cam phải dồn nhiều công sức và tâm huyết. Cam sành đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc rất tỉ mỉ, phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình làm đất, sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, hiệu quả lớn, cam ngọt đậm hơn, giá bán cũng cao hơn. Từ khi áp dụng mô hình VietGAP, vườn cam của chị Hằng cho thu hoạch bình quân mỗi vụ đạt 70 - 80 tấn, khi bán, số tiền thu được tăng hơn từ 5 - 10% so với khi chưa áp dụng mô hình và đặc biệt là không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì cứ đến vụ thu hoạch là các công ty, thương lái đều đến để đặt mua.

Ông Vũ Tất Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết: Toàn huyện đã nhân rộng mô hình trồng cam VietGAP với tổng diện tích đạt gần 130 ha. Người dân tham gia mô hình rất phấn khởi vì không chỉ tạo dựng được thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế mà còn thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết, thu mua sản phẩm. Từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu nhân rộng mô hình trồng cam VietGAP với tổng diện tích đạt trên 700 ha; đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường, tạo liên kết bền vững trong tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cam.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 1) Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 1)

Sapo dễ trồng, ít sâu bệnh, không kén đất, có thể trồng trên đất bị nhiễm chua, nhiễm mặn hoặc những gò đồi khô hạn, thiếu nước. Cây có quả ổn định

31/05/2018
Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 2) Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 2)

Sapo dễ trồng, ít sâu bệnh, không kén đất, có thể trồng trên đất bị nhiễm chua, nhiễm mặn hoặc những gò đồi khô hạn, thiếu nước. Cây có quả ổn định

31/05/2018
6 xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp 6 xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trong các nghiên cứu gần đây, để đáp ứng nhu cầu lương thực cho con người, sản lượng nông nghiệp phải tăng 60% vào năm 2030.

31/05/2018