Sử Dụng Phân Bón Hiệu Quả Cho Sản Xuất Lúa ĐX 2008
Khuyến cáo bón phân cho lúa ĐX 2008
- Đối với cây mạ: Cần chú trọng bón lân và kali kết hợp với che phủ ni lông, sử dụng loại phân bón lá có chứa K-humate, trung lượng, vi lượng để tăng khả năng phục hồi và khả năng chống rét cho mạ hoặc sử dụng tro bếp bón cho mạ để giữ ấm.
- Đối với lúa cấy: Thực hiện phương thức bón lót "nặng đầu", bón 100% lượng phân lân bằng cách vùi vào đất trước khi cấy. Nếu không bón lót được lượng phân lân nêu trên, có thể bón thúc cho lúa trong thời gian 14 ngày sau khi cấy (không được bón thúc muộn hơn). Tuỳ từng loại đất và lượng phân chuồng bót lót cho 1 ha mà lượng phân lân cần bón cho 1 ha lúa vụ đông xuân từ 40 - 60 kg P2O5 tương đương với 250-360 kg/ha supe lân Lâm Thao hay lân nung chảy Văn Điển hoặc Ninh Bình (hay 9- 13 kg supe lân, hay lân nung chảy cho 1 sào Bắc bộ).
- Tổng lượng phân kali cần bón cho lúa đông xuân từ 90 -120 kg K2O/ha, tương đương 150-200 kg phân kali clorua/ha (từ 5-7 kg kali clorua cho 1 sào Bắc bộ), do vụ đông xuân năm nay rét đậm rét hại nên có thể bón lót phân kali cho lúa trước khi cấy 20% khoảng 1-1,5 kg kali clorua/sào Bắc bộ. Lượng phân kali còn lại sẽ bón thúc làm 2 lần. Bón thúc lần thứ nhất vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, bón 50% lượng phân kali còn lại (tức khoảng 2-3 kg kali clorua/sào). Thúc lần 2 toàn bộ lượng phân kali còn lại (tức khoảng 2-2,5 kg kali clorua/sào).
- Đối với phân đạm: Do thời tiết năm nay rét đậm rét hại, tuỳ thuộc từng loại đất và lượng phân chuồng bót lót trước khi cấy, cần bón lót phân đạm với lượng từ 20-25 kg N/ha (tương đương 22-33 kg urê/ha hay 0,8 -1,2 kg urê/sào Bắc bộ). Sau khi bón đạm lót cần sử dụng bảng so màu lá lúa để xác định liều lượng và thời kỳ bón thúc thích hợp:
Bón thúc phân đạm lần đầu giai đoạn lúa đẻ nhánh: đối với lúa lai bón 45 kg N/ha (tương đương 98 kg urê/ha hay 3,5 kg urê/sào Bắc bộ), đối với lúa thuần bón 35 kg N/ha (tương đương 76 kg urê/ha hay 2,7 kg urê/sào Bắc bộ).
Bón thúc lần 2 giai đoạn lúa bắt đầu làm đòng: đối với lúa lai bón 40 kg N/ha (tương đương với 87 kg urê/ha hay 3 kg urê/sào Bắc bộ), đối với lúa thuần bón 35 kg N/ha (tương đương 76 kg urê/ha hay 2,7 kg urê/sào Bắc bộ) để khi lúa trỗ bộ lá lúa có màu xanh sáng (màu xanh lá gừng), không được để lá lúa có màu xanh đậm do thừa đạm.
Hiện nay tập quán sử dụng phân NPK hỗn hợp bón cho lúa đang rất phổ biến, có thể áp dụng phương thức bón sau đây:
- Bón lót: Tốt nhất dùng loại phân NPK 5-10-3 bón từ 14-20kg/sào Bắc bộ, nếu dùng loại NPK 16-16-8 bón từ 10-14kg/sào Bắc bộ, với lượng bón trên đã có đủ lượng lân và một lượng đạm và kali cho cây lúa ngay từ đầu.
- Bón thúc: Đối với lúa thuần, bón thúc chủ yếu vào 2 giai đoạn lúa đẻ nhánh và lúa làm đòng. Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh chủ yếu bón hai loại phân đạm và kali (phân NK 13-12 với lượng 10 kg/sào Bắc bộ), không bón thêm lân. Ở giai đoạn lúa làm đòng bón chủ yếu kali, tuỳ theo tình hình sinh trưởng của cây lúa có thể bón bổ sung một lượng đạm urê. Đối với lúa lai, tuỳ theo từng chân đất và tình hình sinh trưởng của cây có thể bón tăng hơn so với lúa thuần từ 1,2 -1,4 lần lượng phân bón nêu trên.
Điểm đặc biệt cần chú ý: Trong tình hình rét đậm rét hại như hiện nay không được bón phân đạm, phân NPK, không được phun thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa khi thời tiết vẫn còn rét có nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độC.
2. Để hạ giá thành SX và giảm bớt sức ép về sử dụng phân hoá học:
- Cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ truyền thống được ủ theo đúng phương pháp, đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng...
- Đối với các chân ruộng bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nhưng có thể hồi phục được cần sử dụng các loại phân bón lá có chứa K-humate và các yếu tố đa lượng, trung lượng, vi lượng để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tăng khả năng phục hồi của cây lúa sau rét.
- Bón bổ sung các loại phân bón có chứa yếu tố Silic làm tăng khả năng cứng cây chống đổ ngã, tăng khả năng quang hợp, tăng sử dụng cân đối dinh dưỡng, nâng cao hiệu suất sử dụng các yếu tố dinh dưỡng đa lượng NPK.
Related news
Hàng loạt các đề xuất được đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đưa ra nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi. Song, các giải pháp được đề xuất dường như đang đi vào bế tắc.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý thu mua, vận chuyển trâu, bò qua biên giới với Lào, Campuchia theo đúng quy định, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ về thú y, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hiện nay nuôi chim bồ câu làm kinh tế là mô hình của nhiều nông dân ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Ngoài trồng lúa, trồng màu, nông dân nuôi bồ câu để tăng thêm thu nhập thay thế nuôi gà như trước đây.