Sóc Trăng: “Sống khỏe” nhờ cá kèo
Tiếp nối thành công của vụ nuôi năm 2016, năm nay, nông dân thị xã Vĩnh Châu tiếp tục thả nuôi cá kèo trên những diện tích nuôi tôm bị thiệt hại và cho thành công ngoài mong đợi.
Cá kèo nuôi 5 - 6 tháng sẽ đạt kích cỡ thương phẩm, được thương lái đến thu mua tận ao với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg tùy cỡ
Rủi ro ít, lợi nhuận cao
Bước vào vụ nuôi năm nay, ông Lý Văn Nuôi ở xã Hòa Đông thả nuôi cá kèo trên diện tích 6.000 m2. Sau 5 tháng nuôi, ông thu hoạch 14 tấn cá thương phẩm loại 40 con/kg, bán với giá 76.000 đồng/kg. Ông Nuôi cho biết: “Vụ này tôi thu hoạch hơi sớm, nhưng sản lượng vẫn đạt khá cao. Với giá bán trên, bình quân lời khoảng 10.000 đồng/kg”.
Cùng địa bàn với ông Nuôi, ông Trần Quang Bảo phấn khởi nói: “Vụ này tôi chỉ thả nuôi có 600.000 con cá kèo giống trên diện tích 4.500 m2. Qua theo dõi thị trường, tôi quyết định để cá đạt cỡ 30 con/kg mới thu hoạch, nên bán giá đến 80.000 đồng/kg, cầm chắc có lời 15.000 - 17.000 đồng/kg. Với sản lượng cá thu hoạch 12 - 13 tấn, tính ra lợi nhuận cũng gần 200 triệu đồng”.
Theo các hộ dân, chi phí đầu tư nuôi cá kèo cũng không thua gì nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng, nhưng ít lo hơn vì cá kèo ít khi bị dịch bệnh, không chết nhanh như con tôm. Ông Bảo nhẩm tính: “Giá thành mỗi ký cá kèo tương đương với tôm thẻ, tức vào khoảng 65.000 - 70.000 đồng. Về dịch bệnh, thỉnh thoảng cá kèo mới bị, chủ yếu là bệnh ghẻ, khiến cá bỏ ăn rồi chết”.
Cần chủ động con giống
Đến nay diện tích thả nuôi cá kèo của Vĩnh Châu là 282 ha, diện tích thu hoạch 181 ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha. Giá cá kèo những tháng đầu năm luôn giữ ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), nhưng từ đầu tháng 8 đến nay giảm khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhưng theo người nuôi cá kèo ở Vĩnh Châu, nếu nuôi đạt năng suất, vẫn có lời khá so với một số loài cá khác. Cá kèo có thể thả nuôi quanh năm, nên có hộ nuôi thâm canh, có hộ nuôi luân canh, một vụ tôm - một vụ cá kèo, để giảm rủi ro cho cả 2 đối tượng nuôi.
Ông Dương Hoàng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết thêm: “Thông thường, người dân nuôi 1 vụ tôm lúc đầu năm, sau đó đến khoảng tháng 7, tháng 8 nuôi lấp lại cá kèo để cải tạo môi trường ao nuôi, tránh lưu tồn mầm bệnh; hoặc ngược lại, họ thả nuôi cá kèo trước, sau đó đợi thời tiết, môi trường thuận lợi thì mới thả tôm. Cách làm này vừa giúp giảm tải cho môi trường nuôi tôm, vừa đa dạng sản phẩm thủy sản theo nhu cầu của thị trường. Riêng năm nay, đến thời điểm này, toàn xã thả nuôi gần 130 ha cá kèo và thu hoạch 70 ha, hầu hết đều đạt năng suất và hiệu quả cao”.
Việc phát triển nghề nuôi cá kèo không chỉ góp phần đa dạng sản phẩm nuôi thủy sản mà còn tạo thêm việc làm cho những hộ thiếu đất bằng việc khai thác cá kèo giống tự nhiên bán lại cho các cơ sở ương vèo.
>> Ông Tăng Văn Tuối, HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông: “Muốn nuôi cá kèo có hiệu quả, nên mua con giống đã qua ương dưỡng để có độ thuần và đồng đều cao; còn con giống mới khai thác từ tự nhiên về hao hụt sẽ rất lớn do chưa thích nghi và kích cỡ còn rất nhỏ”.
Related news
Việc chỉ lo nuôi trồng chế biến xuất khẩu mà “bỏ quên” công tác làm giống, nhất là xây dựng phát triển nguồn tôm giống bố mẹ khiến cho việc sản xuất tôm
Nếu cần thiết thì bà con có thể tái sử dụng nguồn nước có độ mặn cao từ vụ nuôi trước đó và áp dụng các biện pháp để loại bỏ lớp bùn đáy ao trước khi thả nuôi
Hàng năm trên địa bàn lưới điện do đơn vị quản lý có hàng trăm vụ tai nạn điện xảy ra làm chết và bị thương hàng trăm người.