Sò Huyết Ô Loan Khan Hiếm Ở Phú Yên
Đặc sản sò huyết ở đầm Ô Loan (Phú Yên) khan hiếm nên nhiều người dân địa phương mua sò huyết từ các nơi về bày bán trên đầm gắn thương hiệu “sò huyết Ô Loan”.
Từ thôn Phú Tân 1, Tân Long, xã An Cư qua thôn 8, xã An Ninh Đông (Tuy An - Phú Yên) có nhiều người bày bán các loại hải sản sò, hàu bên đầm. Người bán rao: Mua sò huyết đi anh, mới bắt dưới đầm lên còn tươi rói đó!
Chúng tôi ra vẻ thắc mắc, sò huyết Ô Loan sao con to thế, từ hồi nào đến giờ mua hoài, sò chỉ to bằng đầu ngón tay cái thôi mà? Chắc chắn không phải sò huyết Ô Loan. Chị nói thật đi, chúng tôi sẵn sàng mua vài ký về làm quà!
Sau những phút ngượng ngùng, chị bán hải sản cười thân mật phân trần: “Nói thiệt đây là sò huyết Sông Cầu và sò lông ở Cam Ranh được một số người mua về để chở ra đầm bỏ mối cho chúng tôi bán lại. Người biết điều này chủ yếu là dân ở đây, họ gọi là sò “giả”. Còn người ở xa đến cứ nghĩ là sò huyết đặc sản Ô Loan”.
Do sò huyết khan hiếm không đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong khi một thời gian dài các loại hải sản ở đây vắng bóng, du khách đi tham quan Ô Loan muốn thưởng thức món ăn đặc sản ở đầm nên hỏi mua sò huyết, thấy vậy các thương lái đi mua sò huyết, sò lông các địa phương khác về bán kiếm lời. Theo nhiều người dân sống quanh đầm, sò huyết Ô Loan con nhỏ, ăn ngọt, thịt dai, còn sò các nơi khác con to, thịt mềm nhũn.
Trước đây đến mùa sò huyết, sò lông, ngư dân các xã An Cư, An Ninh Đông, An Hải… bơi sõng ra giữa đầm dùng chân rà bắt sò. Mỗi ngày thu nhập trung bình khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Có thời điểm môi trường nước thích hợp, sò huyết sinh sản nhiều, có người đi bắt sò bán, thu nhập 500.000 đồng/ngày. Do thu nhập cao nên phong trào đi bắt sò huyết rộ lên, hình thành phụ nữ làng “sò huyết”. Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã An Ninh Đông, một người chuyên đi bắt sò huyết cho biết: “Chúng tôi bám đầm quen rồi, cứ đến mùa thì đi rà bắt sò về bán trang trải cuộc sống. Gần đây, sò khan hiếm nên đi bắt cả ngày không được nửa ký, thu nhập thấp, nhiều người dân trong xóm bỏ nghề”.
Ông Hồ Thanh Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã An Cư cho biết: “Sò huyết là một đặc sản của đầm Ô Loan, hiện các loại sò bán trên đầm là hải sản từ các nơi mang đến. Mấy năm gần đây, nguồn nước đầm ô nhiễm nên các loại hải sản dưới đầm chết dần. Các ngành chức năng thả sò huyết giống nhân giống từ sò huyết bố mẹ ở đầm Ô Loan, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản này ở đầm. Tuy nhiên, sau một thời gian ngư dân khai thác theo kiểu tận thu, cộng với nguồn nước đầm ô nhiễm nên sò huyết giờ vắng bóng”.
Có thể bạn quan tâm
Ninh Phước có tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha. Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, những năm qua Ninh Phước đã thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả, năng suất cao.
Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.
Những năm qua, cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đã tranh thủ nhiều nguồn của các cấp hội, tạo mọi điều kiện để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.