Giá / Tin nông nghiệp

Sâu đầu đen hại dừa

Sâu đầu đen hại dừa
Tác giả: Ths. Huỳnh Kim Ngọc
Ngày đăng: 19/10/2021

Dừa được trồng phổ biến ở miền Tây đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên dừa hay bị sâu đầu đen gây hại khiến cây có thể bị chết.

Vòng đời của sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: Kim Ngọc.

Sâu đầu đen có nguồn gốc ở Nam Á như Ấn Độ và Sri Lanka, gây hại nhiều nước trồng dừa như vùng Thái Bình Dương (Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh…), ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Campuchia...

Ở Việt Nam, sâu đầu đen trước đây đã từng xuất hiện ở Bến Tre nhưng với mật độ thấp, gây hại không đáng kể. Tuy nhiên năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng đã phát hiện nhiều địa điểm có vườn dừa bị sâu đầu đen hại dừa gây hại rất nặng. 

Gây hại:

Sâu đầu đen chỉ gây hại giai đoạn sâu non, sâu ẩn núp bên trong lá, gây hại bằng cách cạp lớp biểu bì mặt dưới lá của tàu lá bên dưới, thải phân, nhả tơ, sau lan dần lên các tàu lá trên (khác với bọ dừa - Brontispa longissima gây hại tàu lá non trên ngọn), ngoài lá, sâu còn cạp vỏ trái. Dừa bị hại nặng trông xơ xác, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.

Định danh:

Sâu đầu đen hại dừa tên tiếng Anh là Black Headed Caterpillar, tên khoa học là Opisina arenosella, thuộc bộ cánh vẩy (Lepidoptera).

Vòng đời:

Bướm (cái), màu xám tro, dài khoảng 10 - 15 mm, sải cánh 20 - 25 mm, đẻ hàng trăm trứng (50 – 500 trứng), ở mặt dưới chóp lá già, kéo dài khoảng 15 – 20 ngày, trứng mới nở có màu kem sáng, sau chuyển sang màu hồng, giai đoạn ủ trứng dài khoảng 3 - 5 ngày (mùa hè) đến 10 ngày (mùa đông).

Sâu non mới nở dài khoảng 1,5 mm, sau lớn dần đến 15 mm khi sắp hóa nhộng. Sâu non phá hại mặt dưới lá và các tàu lá bên dưới, khi đẫy sức (khoảng 32 - 48 ngày sau), sâu chuyển sang giai đoạn nhộng, có màu nâu, khoảng 9 - 11 ngày sau, bướm màu xám tro, thoát ra ngoài và bắt đầu chu kỳ mới. Vòng đời sâu khoảng 2 – 3 tháng.

Cây ký chủ:

Các loại cây thuộc họ Cau/Cọ (Palmae) như cau, cọ, chà là, mây…

Thiên địch:

Sâu đầu đen hại dừa có nhiều thiên địch, nhất là thiên địch ký sinh cả giai đoạn nhộng và sâu non như Apanteles taragammae, Bracon brevicomis, Elamus nephantids…, giai đoạn nhộng bị ký sinh bởi Tricliospilus pivora, Stomatoceras sulecatiscute, Brachymeria nephantidis, Xanthopimpla punctate... Ở Thái Lan, ong ký sinh Goniozus nephantidis khống chế tốt sâu đầu đen hại dừa.

Phòng trừ:

Việc phòng trừ sâu đầu đen hại dừa gặp nhiều khó khăn, kể cả bằng biện pháp hóa học do cây dừa cao, do vậy cần phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp tổng hợp.

Nên thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ sớm, lá bị hại cần cắt tỉa và tiêu hủy. Nên bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón trong năm. Nuôi thả kiến lửa, thả thiên địch ký sinh. Sử dụng bẫy dẫn dụ sinh học.

Nếu hại nặng, có thể phun các loại thuốc của Công ty Cổ phần BVTV Sài Gòn (SPC) như Comda Gold 5WG, Saimida 100SL, Netoxin 95WP, Fenbis 25EC hay Sec Saigon 25EC.

Các thuốc trên có thể dùng đơn hay pha chung với dầu khoáng SK Enspray 99EC, định kỳ 5 – 7 ngày có thể phun 1 lần. Chú ý phun nhiều nước, sao cho thuốc thấm vào sâu đang trú ẩn bên trong tàu lá. Cây cao, có thể nối cần phun hay dùng khoan, khoan vào thân và bơm thuốc Comda Gold 5WG (20 cc/cây).


Có thể bạn quan tâm

Trồng hà thủ ô, mở ra triển vọng mới ở vùng cao Trồng hà thủ ô, mở ra triển vọng mới ở vùng cao

Việc phát triển cây hà thủ ô không chỉ mở ra triển vọng cho thu nhập cao cho người dân, mà còn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững.

19/10/2021
Phục hồi cây thanh trà Thượng Phước Phục hồi cây thanh trà Thượng Phước

Qua thời gian, nhiều diện tích cây thanh trà Thượng Phước đã già cỗi, thoái hóa và sâu bệnh. Việc khôi phục loại cây trồng này đang được chính quyền

19/10/2021
Nhà kính hoàn thành mục tiêu kép trong nông nghiệp bền vững Nhà kính hoàn thành mục tiêu kép trong nông nghiệp bền vững

Vừa giúp tăng năng suất cây trồng, vừa giảm chi phí canh tác và các khí thải ảnh hưởng môi trường, nhà kính được đẩy mạnh trên quy mô toàn thế giới.

19/10/2021