Giá / Tin nông nghiệp

Trồng hà thủ ô, mở ra triển vọng mới ở vùng cao

Trồng hà thủ ô, mở ra triển vọng mới ở vùng cao
Tác giả: Công Hải - Nguyễn Toán
Ngày đăng: 18/10/2021

Việc phát triển cây hà thủ ô không chỉ mở ra triển vọng cho thu nhập cao cho người dân, mà còn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững.

Vườn trồng hà thủ ô đỏ tại Thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Ảnh: Nguyễn Toán.

Cây trồng bạc triệu nơi vùng cao

Là hộ cận nghèo ở xóm Bản Chuồng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), trước đây gia đình anh Tô Tuấn Mạnh chỉ trồng ngô, lúa, dâu tằm nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây hà thủ ô đỏ và biết được giá trị đem lại rất cao, gia đình anh bắt đầu trồng hơn 6.000 cây hà thủ ô trên diện tích 1.500 m2 ruộng được hơn 1 năm nay.

Anh Mạnh chia sẻ: "Tôi thấy trồng hà thủ ô không quá khó, chỉ cần chịu khó, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật là cây sẽ phát triển tốt. Dự kiến sau hơn 1 năm nữa, diện tích hà thủ ô đỏ của tôi sẽ cho thu hoạch 6 - 8 tấn".

Anh Quan Văn Quyết, hộ nghèo xóm Phiêng Sáng, xã Cô Ba tâm sự: Năm 2019, anh mạnh dạn chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất trồng dâu tằm sang trồng hà thủ ô đỏ. Thời gian đầu, anh cũng khá lo lắng vì đây là cây trồng mới, chưa nhiều người phát triển mạnh ở địa phương. Nhưng được tham gia lớp tập huấn, thấy hiệu quả kinh tế đem lại gấp vài chục lần trồng ngô, lúa nên tôi mạnh dạn trồng thử.

Đến nay, qua kiểm tra, mỗi cây có 2 - 3 củ, mỗi củ nặng khoảng 300 gram. Từ mô hình ban đầu của anh Quyết, nhiều hộ dân trong xóm cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử nghiệm. Đến nay cả xóm có 13 hộ trồng hà thủ ô đỏ, diện tích hơn 1 ha.

Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cô Ba cho biết: Người dân ở xã nhiều năm qua chủ yếu trồng ngô, lúa nên chỉ đủ ăn. Vài năm gần đây, xã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển nhiều diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như dâu tằm, hà thủ ô đỏ.

Từ vài hộ ban đầu, toàn xã hiện có 7/10 xóm trồng hà thủ ô đỏ, gần 100 hộ tham gia trồng, mỗi hộ trồng từ 1.000 - 3.000 m2, tổng diện tích khoảng 6 ha. Dự kiến khi thu hoạch, cây hà thủ ô đỏ sẽ đem lại cho người dân hơn 10 tỷ đồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Phù hợp với định hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững

Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng hỗ trợ Công ty TNHH Quan Đạo thực hiện Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc.

Đây là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Công ty đã ký hợp đồng nhận chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hà thủ ô đỏ để xây dựng mô hình trồng tập trung và phân tán tại huyện Bảo Lạc. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức, kỹ thuật  trồng, đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Sau gần 3 năm thực hiện, Công ty đã xây dựng cơ sở sản xuất giống hà thủ ô đỏ với diện tích 1.000 m2, số lượng cây giống đã ươm 600.000 cây, tỷ lệ sống sau khi xuất vườn và trồng đạt trên 60%.

Ông Ninh Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Quan Đạo cho biết: Thấy mô hình trồng hà thủ ô đỏ có tiềm năng, cây phát triển tốt, phù hợp với khí hậu địa phương, nhiều hộ dân đã đăng ký trồng thử. Trung bình mỗi hộ trồng từ 1.000 - 2.000 m2.

Đến nay, người dân đăng ký nhiều nên đơn vị không kịp sản xuất giống. Dự kiến thời gian tới, đơn vị sẽ cung cấp giống để người dân trồng thêm khoảng 10 ha, đảm bảo nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến cao hà thủ ô.

Với đặc điểm tự nhiên của huyện Bảo Lạc là vùng đất có nhiều hà thủ ô đỏ mọc hoang trong tự nhiên, có chất lượng tốt nên khi có dự án trồng hà thủ ô, người dân tích cực tham gia. Đến nay, toàn huyện trồng được hơn 15 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Cô Ba, Xuân Trường, Phan Thanh, Khánh Xuân, Thượng Hà và Thị trấn Bảo Lạc.

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất hà thủ ô đỏ trung bình sau 3 năm trồng cho thu hoạch đạt 80 - 100 tấn/ha. Tuy nhiên, để cây đạt năng suất cao, còn phải áp dụng đúng kỹ thuật theo từng giai đoạn.

Do đó, chỉ cần năng suất đạt từ 50 - 60 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu khoảng 300 triệu đồng, với giá bán 50 nghìn đồng/kg, người dân thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây trồng khác.

Ông Tô Đức Bình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: Với giá trị kinh tế cao mà cây hà thủ ô đem lại, sẽ giúp nhiều người dân có hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 năm trồng. Từ đó giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Việc phát triển cây dược liệu nói chung, trong đó có cây hà thủ ô cũng đòi hỏi người dân tiếp cận với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, kiểm soát được việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ..., tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và quy trình canh tác thân thiện, bền vững với môi trường.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Quan Đạo tuyên truyền các xã mở rộng diện tích trồng nhưng vẫn phải đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho gia súc mùa nắng hạn Trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho gia súc mùa nắng hạn

Tận dụng quỹ đất bỏ hoang để trồng cỏ, người dân ở xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đảm bảo được thức ăn cho gia súc trong mùa hè nắng cháy miền Trung.

18/10/2021
Trung Quốc nuôi cấy thịt lợn đen bản địa thành công Trung Quốc nuôi cấy thịt lợn đen bản địa thành công

Thịt nuôi cấy từ tế bào cơ lợn đen bản địa trong phòng lab sẽ giảm đáng kể tác động đến môi trường, tránh được các vấn đề phúc lợi động vật và bệnh tật.

18/10/2021
Giống lúa VNR20 ấn tượng mạnh vụ mùa 2021 Giống lúa VNR20 ấn tượng mạnh vụ mùa 2021

Nông dân ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) ấn tượng với giống lúa VNR20 của Vinaseed khi năng suất vụ mùa năm nay hứa hẹn vượt vụ đông xuân, đạt 2,7-2,8 tạ/sào

18/10/2021